Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

THƯ CỦA NHÀ TRÍ THỨC NGUYỄN KHẮC VIỆN GỬI ÔNG NGUYỄN HỮU THỌ CHỦ TỊCH MẶT TRẬN TỔ QUỐC


  Năm 2004, một lão thành cách mạng đưa cho tôi 3 tờ phiếu xuất nhập kho bằng giấy pơlya mặt sau được nhà đại trí thức Nguyễn Khắc Viện tận dụng đánh máy nội dung thư gửi ông Nguyễn Hữu Thọ ( Nguyên chủ tịch Quốc Hội ). Do thư để lâu ngày nên chữ mờ, các cụ nhờ tôi đánh máy lại. Tôi tin bức thư này chưa được đăng ở bất cứ sách báo cũng như trang web nào. Nội dung bức thư là sản phẩm trí tuệ của một nhà đại trí thức tâm huyết với dân, với nước. Tôi xin đăng trên FB để tất cả những ai quan tâm thấy được tấm lòng và sự trăn trở của nhà đại trí thức này trong những năm cuối đời :



 Nguyễn Khắc Viện 
 22 Phan Đăng Lưu                                                                 Ngày 6/1/1991
    Bình Thạnh
                                                           

  Kính gửi : Anh Nguyễn Hữu Thọ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc

   Trước hết xin lỗi với anh là hôm trước không đến họp mặt trận được.
  Chắc anh cũng có ý muốn biết ý kiến của tôi nên xin trình bày như sau : Tôi không muốn bàn về cương lĩnh chiến lược vì chưa phải lúc bàn đến. Nay có những việc cần hơn, gấp hơn.
Vấn đề chính của đại Ðại hội VII không phải là cương lĩnh mà là giải quyết vấn đề tổ chức. Ðại hội VI đã đưa ra đường lối đúng, nhưng không dựng nên tổ chức mới, đó là mâu thuẫn chủ yếu trong mấy năm qua, không giải quyết được thì không những không tiến lên được, còn sa vào khủng khoảng trầm trọng hơn nữa.
Bộ máy nhà nước hiện nay hoàn toàn bất lực, làm cho toàn xã hội rối loạn, không thể nào phát triển được. Bất lực vì các cấp Ủy Ðảng từ Trung ương đến địa phương nắm hết quyền hành. Bộ chính trị, ban bí thư, ban tổ chức trung ương, ban văn hóa tư tưởng quyết định mọi việc cụ thể Hội đồng bộ trưởng, Quốc hội, các Bộ, các ngành chỉ là thừa hành. Ở tỉnh thì một Bí thư là một lãnh chúa quyết định tất cả kinh tế, tổ chức, văn hóa. Cấp huyện xã cũng vậy. Hai cấp chồng chéo, chằng chịt, quyết định chậm chạp, không ai chịu trách nhiệm. Rút cục lãnh đạo không ra lãnh đạo, quản lý chẳng ra quẩn lý. Bộ máy nhà nước thì bất lực. Ðảng thì thái hóa.
Thái hóa vì nắm trực tiếp quyền lực. Trước kia vào Ðảng là vào tù ra tội, xung phong ở chiến trường, nay vào Ðảng là để lên chức. Bọn cơ hội ùa vào Ðảng, chung quanh một vị lãnh đạo là một nhóm nịnh thần, người ngay thẳng bị đẩy ra, chán nản. Còn nắm quyền lực còn thái hóa, không có học tập nào phê tự phê nào gỡ ra được. Với danh nghĩa Ðảng mà tham nhũng, trù dập ai tố cáo là tệ nhất. Nhìn lên trên, nhân dân, cán bộ, đảng viên cơ sở mất hết niềm tin. Bộ chính trị , ban bí thư, ban tổ chức trung ương, ban văn hóa tư tưởng toàn gồm những đồng chí hoặc đã già nua, không đủ sức khỏe nữa ( trên 70 là không nên tiếp tục ), hoặc cách suy nghĩ và làm việc quá cũ, không theo kịp tiến triển của thời đại, không đồng cảm được với thế hệ mới, không tiếp cận được với những vấn đề mới. Ước mơ của tôi là đại hội VII tập trung và dứt khoát giải quyết hai vấn đề :
+ Cương quyết tuyên bố Ðảng trả lại mọi quyền hành cho các cơ quan dân cử và Nhà nước. Và cụ thể hóa là giải quyết một loạt bộ phận trực thuộc Trung ương cũng như cấp ủy các địa phương, trả lại Nhà nước một loạt nhà cửa, chuyển sang khoảng 2/3 cán bộ, giảm biên chế bắt đầu từ tổ chức Ðảng.
+ Các đồng chí lãnh đạo tối cao ở các ban Trung ương hiện nay tự nguyện rút lui, nhường chỗ cho những người mới. Ðó sẽ là một hành động cao quý, nói lên lòng yêu nước vì dân, sẽ làm nức lòng nhân dân và cán bộ, tạo lại niềm tin đã suy sụp nghiêm trọng. Nếu các đồng chí tiếp tục cố giữ lấy vị trí cũ thì cả quá khứ vinh quang của các đồng chí sẽ bị xóa mờ và sẽ chịu trách nhiệm về sự sụp đổ nay mai. Nếu đại hội không rõ ràng dứt khoát về hai điểm trên ( tôi chỉ mong là tôi đoán sai ) đất nước sẽ bước vào những năm đen tối. Ðại hội VII đã là cơ may cuối cùng để Ðảng có thể tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo. Bằng không là một sự suy thoái không thể gì ngăn được.

                                                                X
                                                              X X

VỀ TÌNH HÌNH XIN CÓ MẤY Ý NHƯ SAU :

    Khi kinh tế tư nhân sẽ phát triển, các hãng quốc tế sẽ đầu tư. Ðó là tình thế không thể cưỡng, làm cho khoa học kĩ thuật tiến lên, một số người có thể phát huy khả năng. Tư bản trong và ngoài nước sẽ nắm tay nhau khai thác tài nguyên sử dụng lao động.
Ðể phục vụ cơ cấu kinh tế ấy sẽ có một bộ máy với ba bộ phận :
- Một bộ máy quản lý kinh tế.
- Một bộ máy Nhà nước cai trị ( hành chính, công an ).
- Một bộ máy văn hóa tư tưởng ( nắm các phương tiện thông tin međia ).
  Ðã là kinh tế thị trường, lấy lãi làm gốc thì không nói đến chuyện 
nhân nghĩa. Ðã là bộ máy quan chức cũng không thể lấy nhân nghĩa làm phương châm.
  Ðứng trước bộ máy kinh tế, cai trị, văn hóa, vừa mang tính quốc gia vừa liên kết với quốc tế ( một cán bộ cao cấp trong bộ máy trên tự xem mình vừa là Việt Nam, vừa là người của Mitsubishi hay Toyota, Philips .. ), nhân dân phải dựng cho được một Mặt trận dân chủ nhân dân làm đối trọng để bảo vệ :
- Quyền tự do dân chủ.
- Công bằng xã hội - Người lao động được thù lao thích đáng,
không để phân hóa giàu nghèo quá mức, giáo dục, y tế bảo đảm, văn hóa được bảo vệ.
- Bảo vệ môi trường.
- Bảo vệ hòa bình.
Mặt trận này không chủ trương đấu tranh vũ trang nhưng phải vận động mọi hình thức đấu tranh dân chủ và nhất là đòi cho kỳ được :
- Tự do báo chí, tự do tư tưởng.
- Tự do lập hội để tổ chức cuộc sống ngoài vòng ràng buộc của bộ 
máy nói trên.
Nhân dân các nước tư bản phát triển, trong 200 năm đã qua đã liên tục đấu tranh để hình thành được chế độ hiện nay mà ta thường gọi sai là dân chủ tư sản.
Những quyền tự do, những phúc lợi xã hội có được không phải là do tư sản ban cho mà do nhân dân đấu tranh đoạt được, phải gọi là dân chủ nhân dân mới đúng và mới thấy hướng tiến lên.
  Nếu mặt trận tư bản thế giới đang hình thành thì đối trọng là mặt trận dân chủ nhân dân thế giới cũng đang được xây dựng. Nhân dân ta không thể đứng tách rời. Khắp nơi chứ không riêng gì trong các nước gọi là xã hộ chủ nghĩa, ta mới có bạn.. Ðến một lúc nào đó bộ máy tư bản bị hạn chế, bị trói tay đến một mức nào đó thì tên gọi là chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội không quan trọng nữa. Mặt trận dân chủ nhân dân đã đổi tính chất.
Tự do báo chí, lập hội, kiến nghị, biểu tình, đình công, bỏ phiếu tất cả những hình thức đấu tranh ấy ở thời đại chúng ta có khả năng dẫn đến những cải tổ sâu sắc. Sự hình thành mặt trận ấy tùy nước sẽ tiến nhanh hay chậm. Sẽ êm ả xuôi chiều hay đầy sóng gió.
Mong rằng Ðảng ta biết tự cải tổ để làm nòng cốt cho Mặt trận ấy, hiện nay lãnh đạo đảng ta đang đi ngược lại. Thiếu dân chủ trong Ðảng trong xã hội đã dẫn đến đẩy những người tâm huyết ( như: Bùi tìn, Dương Thu Hương, nhưng kiều bào ký tâm thư và trước đây những đồng chí Lê Liêm , Ung Văn Khiêm, Ðặng Kim Giang … ). Ngoài ra, biến thành đối lập, và làm nản lòng một bộ phận lớn, có thể nói là hầu hết thanh niên trí thức nhiệt tình. Trên đây là vài ý kiến và ước mong chứ riêng tôi tuổi cao sức yếu cũng không có tham vọng nào khác ; Còn sống vài năm sẽ tập trung sức lực góp phần xây dựng bộ môn tâm lý trẻ em trong khuôn khổ tổ chức N – T ( N- T gọi tắt Nghiên cứu tâm lý ) mà một số anh em chúng tôi đang hợp sức lại dựng lên hai năm nay.

                                                                                           Kính chúc anh mạnh khỏe.
                                                                                               Nguyễn Khắc Viện

HAI BÀI THƠ : NHÌN VÀ NHỊP CỦA NHÀ THƠ VIỆT PHƯƠNG

Hai bài thơ Nhìn và Nhịp của nhà thơ Việt Phương (cựu thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ) đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh của XHVN thời kỳ bao cấp và thời kỳ "đổi mới” dưới sự lãnh đạo “tài tình và sáng suốt” của “Đảng ta”, “Đảng của CNMLN, chủ nghĩa anh hùng cách mạng – đỉnh cao trí tuệ loài người, Đảng làm ra ánh sáng …” dẫn dắt nhân nhân ta xây dựng “thiên đường của chủ nghĩa xã hội”.Tôi xin đăng lại hai bài thơ này để mọi người quan tâm và suy ngẫm “ Cuộc đời này khốn nạn hay diệu kỳ - Trắng trong hay rữa thối”.
Nhìn !
Thơ : Việt Phương
Một đêm anh đã ngồi bên em dưới vầng trăng
Mà anh muốn lưỡi liềm
Có phải bây giờ em đã biết
Những gẫu nhiên nuôi hờ ta sống
Và những đương nhiên đang giết dần ta chết
Sẽ đến một thời em biết thêm
Những tình cờ có nanh vuốt đen
Và vòm sáng quanh đường viền hy vọng
Cái bay bỗng trong đời, cái bò lê trong mộng
Những xấu xa độc ác tấy phồng lên khi tai nghe kể
Và những cao cả thấm vào lòng đất khi chính mắt nhìn
Lời tục tĩu trên môi cô gái hai mươi
Như tiếng trẻ thơ chơi ú tim
Còng số tám mới tinh khóa tay tên trấn lột
Trong lồng nắng giữa đường chợt báo từng tia chớp
Chuỗi cười ở một đầu suối Trường sơn lanh lãnh
Trong những chiếc xe ca chặt ních
Móc ngoặc, hối lộ, ăn cắp,buôn lậu chửi thề
Chợt lung linh một khuôn mặt yêu thương
Trong ánh nắng vàng mua thu sóng sánh
Sự sa đọa của một cán bộ mấy chục năm tuổi Đảng
Sự tráo trở nhăn nhở của một con phe
Sự phè phỡn láo xược của một gã đầu cơ đĩ thỏa
Sự bệ rạc của một người đàn bà có đủ cả cháu nội, cháu ngoại
Sự nịnh bợ hèn hạ của một thanh niên khôi ngô
Sự dối trá bịp bợm của một nhà thơ tài kĩ xảo
Sự lừa đảo trắng trợn của một gã trí thức gọng kính vàng
Tất cả có cái gì giả nồng nặc giả tanh tưởi
Giả như một bộ phim con lợn quay quá dài
Như một trò đùa dai vô duyên
Đôi má xanh gầy thiếu ăn sạm lại mơ màng của em rất thật
Đôi mắt từng trải đau đớn thơ gây to đen của em rất thật
Cuộc đời này rất thật
Như em.
( Bài thơ được chép lại trong Tạp chí văn nghệ quân đội vào hè năm 1987 )

Nhịp !
Thơ : Việt Phương
Rơi mộng mị dọc đường hành quân
Vầng trăng này toàn phần hay một nửa
Lá thay mùa xào xạc ngoài sân
Đêm Hà Nội lại thơm mùi hoa sữa
Nắng lung linh và mây nhỡn nhơ
Cứ bình thản thế ư ?
Ngọn cỏ
Cứ bang khuâng thế ư ?
Ngọn gió
Cứ gian hùng thế ư ?
Ngọn lưỡi giết người bằng vu vạ
Cứ sâu độc thế ư ?
Ngọn bút giết người bằng câu chữ
Cứ trắng trợn thế ư ?
Ngọn đòn giết người bằng quyền thế
Hay con thú chỉ là con người xấu hổ
Hay con người chỉ là con thú tha hóa
Mùa thu về dịu tỏa trong sương sớm Hồ Tây
Chuyện hàng ngày đổi mới và cải tổ
Cái gì hình thành, cái gì tan vỡ
Thông tin ba bề bốn bên bùng nổ
Ta mò tìm trong một mớ nhập nhằng
Cổ hủ nghiến răng căm phẫn lên đành đạch
Ngu dốt hung hăng, cơ hội lăng xăng
Coi chừng nhân dân thành chuột bạch
Thời giao mùa nắng hanh màu hổ phách
Ta gửi người thanh bạch niềm cậy trông
Những cô gái nối nhau đi lấy chồng
Người ta sắm cúp và Ti vi đời mới
Ai ? túi bụi chống chèo
Ai ? ăn theo kiếm chác
Ai ? ngơ ngác chờ mong
Cuộc đời này khốn nạn hay diệu kỳ
Trắng trong hay rữa thối
Siêu lạm phát rãi thảm B52 trên toàn cõi
Sông dài cá lội biệt tăm
Anh hùng kẻ gian như đánh tráo lộn sòng
Biển nắng quê hương cứ mênh mông sức gió
Bẩn thỉu xấu xa chan vào cơm thiếu đói hàng ngày
Hy vọng phập phồng trong bề dày câu hỏi
Ta chọn màu pha hừng lên ngày mới
Chuếnh choáng chiều gió thổi như say
( Bài thơ được chép qua băng ghi âm tại trạm 66 Bộ quốc phòng do chính nhà thơ đọc vào cuối buổi nói chuyện về quản lý Doanh nghiệp năm 1994)