Thứ Hai, 18 tháng 1, 2016

MỘT CUỘC RA MẮT KHÔNG GIỐNG AI

MỘT CUỘC RA MẮT KHÔNG GIỐNG AI
Nhà giáo Phạm Minh Hoàng
   Được chuẩn bị từ tháng 8/2015, Hội Giáo Chức Chu Văn An (tạm gọi là Hội Giáo chức) chúng tôi đã lên kế hoạch ra mắt tại Hà Nội đúng vào ngày giỗ cụ Chu Văn An, 05/01/2016. Và cũng “theo thông lệ” trong một đất nước “dân chủ gấp vạn lần tư bản”, mọi chi tiết buổi ra mắt được giữ kín đến giờ phút chót.
   
.   Tuy nhiên với mọi chuẩn bị kín đáo nhưng sự việc lại diễn biến không như mong đợi. Thầy Mạnh Hùng, trưởng ban Tổ chức cho biết, trước đó, tối thứ 6, thứ 7 an ninh đã đến nhà làm phiền, đặc biệt sáng thứ 2 ngày 04/01/2016. Thầy nhắn tin rằng “an ninh rất đông” đang hiện diện trước, sau, trên và dưới căn nhà của thầy trong một chung cư tồi tàn khu Thanh Xuân Bắc. Thầy nói : “họ canh cả tầng trên sợ tôi trổ nóc nhà đi trốn”. Thầy Vũ Hùng được an ninh “đóng chốt” hai đầu đường và họ tuyên bố thẳng thừng là “không được đi đâu cả”. Riêng “người đương thời”, thầy Đỗ Việt Khoa thì được khuyến cáo là không được tham dự Hội Giáo chức, nếu không thì “tiệm net sẽ bị phá”. Thầy Tô Oanh (Bắc Giang) và một vài Thầy, Cô khác cũng gặp khó khăn tương tự. Chỉ hai người là thầy Thế Hùng (Đà Nẵng) và tôi, Minh Hoàng (Sàigòn) là đi được đến nơi.






   Buổi ra mắt của Hội Giáo chức được bắt đầu bằng những điều kiện không mấy tốt ! Thú thật, với những suy nghĩ cực kỳ bi quan thì chẳng ai có thể mường tượng ra một kịch bản như thế. Cuối cùng anh em quyết định chuyển sang “kế hoạch dự phòng” là ra mắt trên…Skype cùng vào ngày giờ đã dự kiến, nghĩa là 10giờ sáng ngày 5/1/2016.
   
   Mở đầu thầy Mạnh Hùng đã trình bày các bước chuẩn bị và những khó khăn của ngày ra mắt, tiếp theo đó là phần tóm tắt tình trạng giáo dục trong nước vốn là lý do đã dẫn đến sự ra đời của Hội Giáo chức. Sau đó “Đại hội” đã cùng đón nhận những chia sẻ của linh mục Lê Ngọc Thanh, hòa thượng Thích Không Tánh cũng như các nhà giáo kỳ cựu Nguyễn văn Cống và Phạm Toàn. Không khí “Đại hội” đã trở nên ngày một sôi động khi lắng nghe ý kiến của các hội viên có mặt trên làn sóng như cô Kim Chi (Hà Nội), cô Huỳnh Loan và thầy Trần Bang (Sàigòn).
   
   Buổi “lễ ra mắt” kéo dài gần 2 tiếng và chấm dứt đúng 12g trưa. Trong headphone văng vẳng tiếng chuông nhà thờ Thái Hà. Điềm lành! Cứ tự cho là như thế. Trong tình trạng đất nước như thế này thì chúng ta cũng nên tìm lạc quan ở những chuyện bình thường. Vài tiếng sau đó, các Thầy thông báo là các chốt gác lần lượt được tháo gỡ !
   
   Lợi dụng những giây phút tự do, anh em chúng tôi tìm đến nhau để hàn huyên tâm sự. Lần đầu tiên được gặp thầy Thế Hùng, một giáo sư của Đại học Đà Nẵng và đặc biệt là một trong 3 người chủ xướng trang Boxit cách đây 6, 7 năm. Vì cùng là dân liên quan đến Toán Cơ nên anh em chúng tôi ngồi nhắc lại các kiến thức kinh điển như phương trình Bernoully, phương pháp phần tử hữu hạn. Thầy Thế Hùng hiện đảm trách bộ môn Cơ sở Kỹ thuật Thủy Lợi và cũng là người đi tiên phong trong lãnh vực giảng dạy môn Phương pháp phần tử hữu hạn trong chất lỏng, một lý thuyết cực kỳ khó nuốt cho các kỹ sư cơ học. Dù chuyên tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhưng trong những phút rảnh rỗi thầy không quên chia sẻ đến bạn bè những bài viết, những ý kiến về tình hình đất nước.
   
   Chia tay với thầy Thế Hùng, chúng tôi ghé nhà và thắp hương cho thầy Nguyễn Anh Dũng. Thầy nguyên là một sĩ quan Bắc Việt nhưng đã sớm nhận ra những xấu xa của chủ nghĩa cộng sản và viết lên những bài viết phản ánh sự bất công trong xã hội cũng như tình hình nguy biến của đất nước, thầy cũng tham gia các cuộc biểu tình phản đối chống sự xâm lấn của Trung quốc. Chẳng may vì bạo bệnh nên thầy đã tạ thế trong lúc còn mang nhiều hoài bão xây dựng đất nước đặc biệt là trong lãnh vực giáo dục.
  
    Người đầu tiên chúng tôi đến thăm là thầy Phan Văn Hùng, nguyên là giáo viên thể dục. Nhà thầy ở xã Cao Viên thuộc huyện Thanh Oai, trước đây thuộc tỉnh Hà Đông nay đã sáp nhập vào Hà Nội. Mang tiếng là Hà Nội nhưng phong cảnh nơi đây chẳng khác một vùng quê nghèo. Theo tự điển Wikipedia thì Cao Viên vốn là một làng cổ từ thế kỷ 14 ! Lúc chúng tôi đến thì vào mùa thu hoạch quýt, đường sá, chợ búa chỗ nào cũng đỏ một màu quýt. Anh em tìm một cái quán nằm trên bờ sông Đáy để trao đổi, thầy Văn Hùng đã kể lại những tháng ngày lên tiếng cho dân chủ, rồi mất việc, phải trải qua những ngày sống trong sự canh giữ kềm kẹp của an ninh xã.  


   Rời nhà thầy Phan Văn Hùng, chúng tôi ghé thăm thầy Nguyễn Khắc Mai. Ngôi nhà của thầy nằm sâu trong một con hẻm nội thành Hà Nội. Năm nay đã ngoài 80 nhưng thầy cũng rất thoải mái với công nghệ thông tin và điện thoại thông minh. Trong buổi gặp gỡ, thầy đã cho biết cảm nhận của mình trước sự ra mắt của Hội Giáo chức. Được biết thầy Mai hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết và gần đây có nhiều bài viết về văn hoá cũng như về đại hội 12 của đảng CSVN trong đó đặc biệt là bài “Đại hội XII Đảng CSVN đối diện với Năm Chữ Chính”. Ngoài ra thầy còn xác định lập trường của mình trước tình hình dậy sóng ở biển Đông, trên tường nhà có treo câu thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, một câu sấm truyền với tư tưởng rất hiện đại:

Vạn lý Đông minh quy bả ác,
Ức niên Nam cực điện long bình.
dịch là :
Biển Đông vạn dặm giang tay giữ,
Đất Việt muôn năm vững trị bình. 


   Người sau cùng là giáo sư Nguyễn Đình Cống. Tuổi thầy cũng đã xấp xỉ 80 nhưng còn rất linh hoạt. Gặp tôi thầy “xổ nho” một tràng tiếng Pháp cực chuẩn. Hóa ra thầy đã từng dạy nhiều năm ở Algérie, mà đây là một nước sử dụng tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ. Chuyên ngành của thầy là Kết cấu bê tông cốt thép nên chúng tôi say sưa ôn lại những lý thuyết của Caquot, Boussinesq và các phương pháp nghiên cứu. Thầy cũng gửi gấm đến Hội Giáo chức những niềm hy vọng cũng như những nhận định về thời sự nóng bỏng của đất nước trong những ngày đầu năm 2016.

  “Lễ ra mắt” Hội Giáo chức chỉ có thế. Có lẽ an ninh thành phố Hà Nội vui mừng vì đã ngăn cản được một cơ hội cho Hội “Hội Giáo Chức CVA” tụ họp lại, tuy nhiên anh em trong Ban vận động cũng như hội viên Hội Giáo chức lại thấy đây là một động lực để anh chị em sát cánh với nhau hơn, thúc đẩy các hoạt động của hội ngày một khởi sắc, góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
   
   Tiện đây, chúng tôi cũng xin chân thành cáo lỗi cùng các thầy, cô, hội viên cũng như một số ít khách mời (mặc dù đã được thông tin lại) về việc tiến hành cuộc họp ra mắt bất khả kháng như đã trình bày; và mong mọi người cùng cảm thông những khó khăn trong sinh hoạt của Hội, một hội đoàn xã hội dân sự bình thường trong tình trạng của đất nước bất thường như hiện nay.
    
   Ước mong chúng tôi sẽ không phụ lòng ưu ái của các bậc trưởng thượng và hy vọng sẽ đón nhận được sự ủng hộ của mọi người yêu chuộng một nền giáo dục nhân bản, khai phóng, khoa học, đại chúng và sáng tạo vốn là kim chỉ nam của Hội Giáo chức Chu Văn An.

Phạm Minh Hoàng
         (18/1/16)  
       

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

CẢM NHẬN CHUYỆN ÔNG NHẠC NÓI KHÁY AN KHUYỂN !

   Mấy hôm vừa rồi khi biết tin ban vận động thành lập Hội Giáo chức Chu Văn An ra mắt, tôi được nhà cầm quyền cho an khuyển canh giữ ngày đêm, ngăn cản quyền tự do đi lại. Một việc làm của AN tà quyền gây bức xúc thức tỉnh dân chúng, chấn động dư luận khu tập thể.

   Có rất nhiều chuyện tôi muốn viết bày tỏ với bạn bè FB, nhưng tôi thấy lý thú nhất là chuyện ông Nhạc nhà tôi nói kháy.
Ông Nhạc nhà tôi từ cái ngày cầm vô lăng cho ông trùm CS số một VN (những người thực sự là trí thức vẫn thường gọi là Minh Râu), chuyên trách cầm vô lăng cho ông trùm CS số hai (PVĐ).

   Sáng nay ông chống gậy đi xuống sân, khi mở cửa tôi giúp ông, thấy mấy an khuyển gần trước cửa, ông mỉn cười lẩm bẩm nói (không biết để tôi nghe hay mấy cậu AN gác chặn ngoài cửa nghe),đời ông bao nhiêu năm phục vụ ở cái cấp cao chót vót của chế độ CS này, không được ai canh gác, đàng này chỉ là ông giáo bình thường mà AN canh đông như quân Nguyên, " tiêu chuẩn" cao hơn cả bộ chính trị. Tôi phì cười, không nói gì và thông hiểu cách nói của ông. Vì cách đây hơn 2 năm ông làm đơn nghỉ sinh hoạt đảng.

   Tôi cảm nhận, khi không còn lý lẽ bênh cho cái chế độ ông vẫn thường tự hào về sự cống hiến của ông bằng chính sự thật hàng ngày diễn ra trước mắt ông trên đường phố, ngay trước cửa nhà, ông đã nhận ra sự thật đau lòng về những cống hiến của ông nên ông buồn. Cũng từ đấy ông không thường xuyên uốn nắn "tư tưởng", thuyết giáo, tranh luận và "lên lớp" nhằm bảo vệ cái nhận thức của ông về "công lao" của đảng và sự "tốt đẹp" của chế độ.

   Vài năm nay cũng không thấy ông thể hiện niềm tự hào về cống hiến của ông cho chế độ với tôi như trước đây, không xung khắc với tôi về sự nhận thức khác nhau trong việc nhìn nhận bản chất của chế độ, không nhìn tôi với con mắt căm giận hoặc bạn bè anh em thân thích trong mọi quan hệ khi nói đụng đến cái đảng "ngôi sao sáng" của ông.

    Và hình như ông đã ngấm sự thật, nhận ra và thấy có phần thiện cảm với tôi. Bởi sự thật về bản chất đen tối cầm quyền của chế độ độc tài toàn trị vô pháp luật đã bộc lộ một cách trơ trẽn thô thiển, hèn hạ ... ngay trước mắt ông của hệ thống công nô. Có lẽ điều đó đã tác động mạnh đến sự thay đổi tư duy và cách nhìn, nhận thức của ông về bản chất của chế độ xã hội. Sự thật đen tối phơi bày ngày một rõ mà không lý lẽ gì phủ nhận được. Và ông trở nên thông thiện với tôi.

   Một xã hội bị bưng bít thông tin, thiếu thông tin, thậm chí thông tin bị bóp méo nó làm cho tư duy con người bị què quặt chẳng khác nào cây sinh ra thiếu ánh sáng. Nếu xã hội có tự do ngôn luận, tự do thông tin nó sẽ hạn chế được rất nhiều mâu thuẫn không đáng có, xung đột bất hòa trong gia đình cũng như xã hội không đáng có, ... nó giúp cho con người dễ gần gũi nhau hơn, biết yêu thương nhau hơn ...

   Rõ ràng khi có đầy đủ thông tin, sự thật được tôn trọng nó đã tác động đến nhận thức. Chính vì vậy nó làm cho đại gia đình, anh em nội ngoại tôi khi ngồi chung với nhau một mâm, hiểu nhau hơn, gần gũi, đồng cảm với nhau hơn, đoàn kết hơn, quan tâm hơn đến những đến những vấn đề xã hội. Bởi tư tưởng, quan điểm cơ bản nhìn nhận xã hội ngày một giống nhau. Không ai còn mong muốn cái cơ chế chính trị độc đảng, độc tài, độc tôn quái thai, quái ác dị dạng ấy tồn tại nữa, thậm chí chán ghét. Ai cũng hiểu rõ cái cơ chế ấy tồn tại đã và đang đẩy cả dân tộc đến diệt vong và hiểm họa mất nước.

   Tôi thấy rất vui, khi cái lô cốt tư tưởng cuối cùng trong não trạng gia đình được chế độ hun đúc bằng bê tông đặc biệt tự nó tan biến. Điều này đã giúp tôi trút bỏ được những khó khăn, áp lực vô hình đeo bám của quỷ đỏ. Sự đồng cảm, quan tâm của gia đình cũng như những người dân hiểu biết đã giúp tôi chia sẻ gánh nặng lương tri trên con đường giành lại những quyền cơ bản của con người bị tước đoạt, hướng tới góp phần dựng xây một xã hội tự do, dân chủ và nhân quyền.

   Việc canh giữ ngăn cản quyền tự do đi lại của tôi mấy ngày qua, câu nói kháy của ông Nhạc, sự chia sẻ của anh chị em dân phố, sự tụ họp của đại gia đình, tôi có cảm nhận mọi người không né tránh, không sợ hãi khi nói đến những vấn đề gai góc đang tồn tại trong xã hội như trước. Đây là một tín hiệu tư duy chuyển biến đáng mừng.

   Qua buổi hội tụ đại gia đình mọi người ai cũng bày tỏ sự khát vọng về một xã hội văn minh, nhân quyền được tôn trọng. Có nhân quyền, người dân mới làm chủ được đất nước, mới bảo vệ được chủ quyền, mới có khả năng đòi lại phần lãnh thổ - lãnh hải của Tổ quốc bị ngoại xâm lấn chiếm, khai thông con đường đến với thế giới văn minh, đưa đất nước đến sự cường thịnh.

                                                                      Hà nội, ngày 7 tháng 1 năm 2016
                                                                                      
                                                                                     Vũ Mạnh Hùng

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

HỘI GIÁO CHỨC CHU VĂN AN CHÍNH THỨC THÀNH LẬP



   Hôm nay là ngày 26 tháng 11 Âm Lịch (05/01/2016 Dương Lịch), ngày giỗ của cụ Chu Văn An, một người mà lịch sử nước ta đã tôn vinh là "Vị Thày Của Muôn Đời". Một số nhà giáo đã chọn ngày này, một ngày có ý nghĩa quan trọng đối với nền giáo dục Việt Nam, để tổ chức một cuộc họp mặt nhằm chính thức thành lập Hội Giáo chức Chu Văn An, sau hơn một tháng vận động.

   Mặc dù mục tiêu của Hội Giáo chức Chu Văn An là góp phần giải quyết tình trạng xuống cấp của hệ thống giáo dục và những vấn đề có ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước, đều là những mục tiêu vô cùng chính đáng và cần thiết, nhưng nhà nước Việt Nam vẫn tìm mọi cách để ngăn cản sự ra đời của Hội. Liên tục từ nhiều ngày qua và cho đến hôm nay, một số người đã bị bao vây, quản thúc, quyền tự do đi lại đã bị vi phạm trầm trọng.

    Tuy nhiên, với quyết tâm thành lập Hội Giáo chức Chu Văn An để có thể bắt tay vào việc đóng góp cho nhu cầu giáo dục - đào tạo, nhiều nhà giáo tâm huyết vẫn tổ chức sinh hoạt vào sáng ngày 5 tháng 1 năm 2016. Qua buổi sinh hoạt này, Hội Giáo chức Chu Văn An đã chính thức ra đời với thành phần Ban Điều Hành gồm 8 người là :

- Nhà giáo Vũ Mạnh Hùng
- Nhà giáo Nguyễn Thế Hùng
- Nhà giáo Phạm Minh Hoàng
- Nhà giáo Đỗ Việt Khoa
- Nhà giáo Vi Đức Hồi
- Nhà giáo Nguyễn Tiến Dân
- Nhà giáo Tô Oanh
- Nhà giáo Vũ Hùng

Nhân dịp này, mặc dù không tham dự được, như giáo sư Nguyễn Đình Cống, nhà giáo Phạm Toàn, Linh Mục Phan Văn Lợi, Hòa Thượng Thích Không Tánh và Linh Mục Lê Ngọc Thanh đã gửi bài tham luận và những ý kiến đóng góp cho nhu cầu hoạt động của Hội trong tương lai.