Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

BẢN LÊN TIẾNG CỦA HỘI GIÁO CHỨC CHU VĂN AN VỀ VIỆC UBND THỊ XÃ HỒNG LĨNH (HÀ TĨNH) NHIỀU LẦN “ĐIỀU ĐỘNG” GIÁO VIÊN TRẺ LÀM “LỄ TÂN”


Vừa qua báo chí nhà nước cũng như thông tin tràn ngập trên các trang mạng xã hội bày tỏ bức xúc, phẫn nộ lên án việc UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã nhiều lần cưỡng ép các giáo viên trẻ (từ Mần non đến Trung học Cơ sở) có ngoại hình bắt mắt đi làm cái việc “tiếp khách” của chính quyền. Sự cưỡng ép những giáo viên trẻ này được gọi là “điều động”, đi làm cái việc được gọi là “lễ tân” để thực hiện cái được gọi là “nhiệm vụ văn hóa, chính trị”. Thử hỏi nhiệm vụ văn hóa chính trị gì mà phải đi tiếp khách rượu chè nhậu nhẹt ở các nhà hàng, Karaok, “nhiều giáo viên bị sàm sỡ, nhiều gia đình giáo viên bị xào xáo, nhiều giáo viên bức xúc vì danh dự nhân phẩm bị xúc phạm, giá trị đạo đức nghề nghiệp bị tổn thương”.(http://baophapluat.vn/…/nu-giao-vien-thi-xa-hong-linh-bi-di…).
   
   Trước sự thật bị phanh phui, nỗi niềm ta thán của nhiều nữ giáo viên bị “điều động”, sự phẫn nộ của dư luận, ông Lê Bá Thiềm trưởng phòng giáo dục thị xã Hồng Lĩnh bày tỏ quan điểm về những hành động không đẹp đó “cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống". Bộ trưởng BGDĐT Phùng Xuân Nhạ trước chất vấn báo chí trả lời về vấn đề bảo vệ quyền lợi cho các giáo viên, ông nói “trước tiên phải xem lại mấy cô giáo ấy đã”; trả lời chất vấn của các ĐBQH, ông Nhạ có nhận trách nhiệm, nhưng chỉ "rút kinh nghiệm" trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các giáo viên, và nhận định sự việc đau lòng này “cũng chỉ vì vui vẻ thôi”.

   Từ ông Bộ trưởng BGDĐT đến ông trưởng phòng giáo dục (nói trên) không thấy đau, nhưng những người dân bình thường trong xã hội thấy đau, thậm chí rất đau. Nó đau bởi sự việc xảy ra không chỉ xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của một con người, hơn nữa những con người này lại là giáo viên. Không nhẽ ông Bộ trưởng BGDĐT không hiểu đặc thù của ngành giáo dục, nên không thấy đau, và lại càng không thấy đau cái đau của một người đứng đầu nền giáo dục Việt Nam. Cái đau trước sự tha hóa, làm mất đi tính mô phạm của ngành giáo dục mà chính các quan lại của UBND thị xã Hồng Lĩnh đang góp phần. Chưa nói đến sự lộng quyền của bọn quan lại này đã từng gây ra mâu thuẫn gia đình, có thể dẫn đến phá vỡ hạnh phúc gia đình của các cô giáo này. Chính vì vậy mới có một làn sóng dư luận phẫn nộ làm xã hội nóng lên như ông bộ trưởng đã nói.

   Với những lý lẽ trên HGCCVA cực lực phản đổi việc cưỡng ép, xúc phạm, hạ nhục các các giáo viên trẻ của UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) một cách có tổ chức mang dấu hiệu tội phạm hình sự.

   HGCCVA hy vọng ông Bộ trưởng BGDĐT biết đau, biết nhìn nhận tính chất nghiêm trọng của sự việc này, có lời xin lỗi về trách nhiệm, về những phát ngôn thiếu cái tâm và cái tầm của mình trước công luận.

    HGCCVA đề nghị ông hãy thực thi vai trò trách nhiệm- quyền hạn của mình cách chức ngay trưởng phòng giáo dục thị xã Hồng Lĩnh (Lê Bá Thiềm). Đồng thời yêu cầu chính quyền tỉnh Hà Tĩnh điều tra làm rõ, cách chức, xử lý theo quy định của pháp luật ngay kẻ nào ở UBND thị xã Hồng Lĩnh đã ra quyết định cưỡng ép 21 giáo viên trẻ đi làm tiếp viên để thỏa mãn nhu cầu tiếp khách của bọn quan lại này.


   Nếu ít nhất ông Bộ trưởng BGDDT không làm được những điều như trên, chúng tôi tin rằng làn sóng phẫn nộ còn khó dứt, uy tín bị giảm sút thê thảm trước sự thể hiện vai trò của mình đối với sự việc này khó lòng cứu vớt. Mặt khác, sẽ không ai tin Bộ trưởng BGDĐT có khả năng làm giảm được sự tha hóa, xuống cấp thê thảm trong giáo dục. Còn việc chặn đứng sự tha hóa và nói đến chuyện cải cách giáo dục cũng chỉ là điều không tưởng.

   Nếu ít nhất ông Bộ trưởng BGDDT không làm được những điều như trên, chúng tôi tin rằng làn sóng phẫn nộ còn khó dứt, uy tín bị giảm sút thảm hại trước sự thể hiện vai trò của mình đối với sự việc này khó lòng cứu vớt. Mặt khác, sẽ không ai tin Bộ trưởng BGDĐT có khả năng làm giảm được sự tha hóa, xuống cấp thê thảm trong giáo dục. Còn việc chặn đứng sự tha hóa và nói đến chuyện cải cách giáo dục cũng chỉ là điều không tưởng.

                                                          Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2016
                                                                Hội Gíao chức Chu Văn An

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

PHẢN ĐỐI NHÀ CẦM QUYỀN CSVN CẢN PHÁ ĐÀN ÁP, BẮT BỚ NGƯỜI DÂN MIT TINH, BIỂU TÌNH BÀY TỎ SỰ ỦNG HỘ PHÁN QUYẾT CỦA TÒA ÁN QUỐC TẾ VỀ BIỂN ĐÔNG, BÁC BỎ ĐƯỜNG LƯỠI BÒ PHI LÝ CỦA TRUNG CỘNG.

Vũ Mạnh Hùng (17/7/2016)
   
   Chiều và tối qua 16/7, nhà cầm quyền đã cho AN lỡn vỡn canh quanh nhà. Sáng dậy diện áo NoU để đi đến tường đài Ly Thái Tổ bày tỏ sự ủng hộ của mình cùng mọi người dân yêu nước đối với phản quyết của tòa án quốc tế về biển đông.
   
   Vừa ra khỏi nhà đã có 4-5 AN bám theo. Ăn sáng xong, tôi ra đường lập tức một trung tá AN đeo bám mời đi uống nước. Tôi từ chối và nói, để tôi đi ra Bờ hồ cho kịp giờ cùng những người dân yêu nước, mít tinh, biểu tình bày tỏ sự ủng hộ phán quyết của tòa án quốc tế về biển đông, bác bỏ đường lưỡi bò không có căn cứ của Trung Cộng, chia vui cùng nhân dân Philippines.
   
   Tôi nghĩ, đây là một việc hoàn toàn chính đáng không ai có quyền ngăn cản. Nếu nhà cầm quyền quyết tâm dùng AN cản phá việc này thì chính họ đã tự vach rõ bộ mặt tay sai bán nước một cách trơ trẽn, không cần giấu diếm nhân dân. Tôi nói với viên N đeo bám, họ có thể ra lệnh cho các anh, biến các anh thành những kẻ đội lột côn đồ dùng hành vi bạo lực tàn bạo, gây tai nạn ... để cản trở việc thực thi quyền con người của tôi như những vụ việc đã từng xảy ra đối với những người dân yêu nước. Nhưng hôm nay, tôi cũng vẫn quyết định đi.
   
   Việc nhà cầm quyền cho các anh ngăn cản việc đi lại của tôi là vi phạm pháp luật và bộc lộ rõ bộ mặt phản động, tay sai cho Tàu Cộng. Mấy năm trước họ cũng cho AN các anh ngăn cản và khuyên tôi để đảng nhà nước lo, bằng cách thông qua con đường ngoại giao, không nên đi biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược với đủ lý do. Nhưng các anh thấy đó nhà cầm quyền CS này chỉ lo bưng bít trước tội ác và sự xâm lấn của Trung Công ngày càng gia tăng. Bao nhiêu tàu thuyền của ngư dân Việt Nam bị đâm chìm, ngư dân bị đánh đập, cướp bóc tài sản, tàu kiểm ngư của VN bị đâm chìm trên chính vùng biển của mình liên tục, ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác, Trung cộng xây thêm 7 đảo làm căn cứ quân sự ... gần đây Formosa gây ra thảm họa miền trung gần ba tháng trời nếu không có sức ép quốc tế chắc không tìm ra thủ phạm ... hai máy bay đang bay vỡ tan ra, 10 phi công chết vẫn chưa xác định ra được nguyên nhân ... Nếu để cho nhà cầm quyền CSVN lo vài năm nữa, ai không dám chắc VN trở thành một tỉnh của Trung quốc. Thực chất họ chỉ lo bịp dân, đàn áp dân để giữ đặc quyền đặc lợi bất chính. Chỉ cần có chút lương tri các anh có thể nhận ra mình bị sai khiến đi làm cái việc như thế này, các anh có cảm thấy xấu hổ không, ... có thấy mắc tội với non sông đất nước, với nhân dân không ???
   
   Cuối cùng, tôi ra đường bắt Taxi thì viên trung tá cũng nhảy lên luôn và gọi 5-6 AN trẻ bám theo.

    Khi ra đến Tràng tiền là 8h32', đường bị cấm xe không vào được Bờ hồ. Tôi xuống xe, viên AN xuống theo đi bộ vào gần sân Tượng đài Lý Thái Tổ đã thấy nhiều người dân bị bắt lên xe chở đi, gặp GS Phạm Toàn đi ngược ra. GS nói chúng nó hốt hết lên xe rồi. Tôi cùng GS rủ nhau về, nhưng cả viên trung tá và số AN trẻ vẫn đeo bám theo. Và sau đó tôi bị tách ra ép lên xe CA đưa thẳng về nhà, bị canh chừng tiếp đến gần 11h trưa mới được tự do. 


   Nhưng tâm trạng trong tôi vẫn nặng trĩu trước cảnh Ngộ, Lạ, Buồn, Thương quặn đau của đất nước hình dấu hỏi... Rồi chợt nhớ hai câu thơ kết trong bài thơ "Đất Nước Mình Ngộ Qúa Phải Không Anh".của cô giáo Trần Thị Lam :
            
             Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước ...
             Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu ...
   
   Đất nước sẽ về đâu, khi mà những kẻ cầm quyền chỉ vì lợi ích cá nhân, phe nhóm đến mức không cần giấu diếm làm tay sai cho ngoại bang để duy trì quyền lực bất chính thi nhau vơ vét, tiếp tay bao che cho kẻ thù dân tộc tàn phá đất nước, dùng mọi thủ đoạn hèn bỉ đàn áp triệt hạ tinh thần yêu nước, tạo điều kiện cho việc thực hiện tham vọng bành chướng của Trung Cộng.

   
   Nếu không hóa giải được cơ chế độc tài, thực trạng cứ thế vẫn còn tiếp diễn thì chỉ còn câu trả lời chính xác nhất là đất nước sẽ về Tầu, dân tộc sẽ tiếp tục bị tan đàn sẻ nghé, chết dần chết mòn và đi đến chỗ bị diệt vong. Mơ gì đến chuyện "sánh vai với các cường quốc năm châu" !

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2016

NHỚ LẠI CUỘC BẦU CỬ QUÔC HỘI KHÓA XIII - NHỮNG TRĂN TRỞ VỀ CÁCH THỨC BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA XIV.

I – NHỚ LẠI CUỘC BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA XIII.
   
   Gần đến ngày đi bầu cử, trưởng phòng tổ chức trường xuống nhắc nhở tôi : Sáng CN anh mặc quần áo chỉnh tề đi bầu cử sớm cho mát nhé.  Tôi trả lời, bỏ qua thói nhắc nhở trẻ con của anh, sao anh lại quan tâm việc đi bầu cử của tôi đến thế. 
   
   Thử hỏi, tôi đi bầu cử trong khi tôi không hề biết, không được gặp đại biểu, không được biết tham luận, chương trình  kế hoạch hành động của đại biểu, không được chất vấn các đại biểu thì (chưa nói đến số đại biểu lại toàn là đại biểu đảng cử, trong khi đảng thì tôi đã mất niềm tin từ lâu rồi) sao lựa chọn được, không biết sau khi trúng cử họ làm những gì. Chưa nói đến các ứng cử viên đảng cử không thấy ai kê khai tài sản theo quy định của pháp luật, 827 ứng cử viên không được công khai danh sách trên các phương tiện thông tin đại chúng, điểm bỏ phiếu nào thì biết ứng cử viên ở điểm đó.
   
    Cách làm như vậy mục đích có phải những ứng cử viên đảng cử tham nhũng, sai trái, vô trách nhiệm ... đang bị tố cáo ở địa phương này cho sang địa phương khác bỏ phiếu để bịp dân không ? Những quy định và cách thức tổ chức bầu cử như thế, quá trình thực hiện nếu cần họ cũng bất chấp những quy định do họ đặt ra.
   
   Như vậy nếu tôi đi có ai đó bảo tôi thuộc dạng mất trí, anh nghĩ sao ? Ít ra thì các đại biểu trong một khu vực bỏ phiếu cũng phải có tranh cử (dù chỉ là đảng cử) trên các phương tiện truyền thông, hứa hẹn để cử tri được nghe, được phản biện thì dân cũng còn có chút để chọn. Đàng này, đảng tước sạch cái quyền của mình không còn một chút gì để chọn.
   
   Trưởng phòng tổ chức trả lời, tôi còn không được gặp, được biết, được nghe được thấy, được hỏi thì làm sao đáp ứng được yêu cầu của anh. Tôi nói, anh biết vậy sao vẫn cúi đầu chập nhận ?  Anh không hề biết tí gì về những ứng cứ viên đảng cử ngoài chích ngang và ảnh,  anh vẫn đi bầu thì anh có khác gì Robot, vậy mà còn lôi kéo tôi đi làm cái chuyện vô bổ ấy. 
   
   Anh ta hỏi tiếp, thế anh lấy thẻ cử tri làm gì. Tôi nói, bởi tôi không muốn ai đó lợi dụng cái chứng nhận công dân của mình mà nhà cầm quyền không thể bác bỏ. Mặt khác mỗi lần bầu cử xong, tôi thấy truyền thông của đảng cứ ra rả người dân phấn khởi đi bầu cử, “cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, hầu hết các khu vực 100% dân đi bỏ phiếu, toàn quốc 99,9.. % người dân tham gia bầu cử... trong khi tôi thấy tỷ lệ không đi, không phải là ít, một người cầm tất phiểu cử tri của cả gia đình đi bỏ phiếu, các lớp HSSV giao cho một vài SV nào đó cầm phiếu của cả lớp đi bầu ... không đúng luật ... Nếu hôm sau truyền thông của đảng nói sai, không đúng sự thật, nói láo. Tôi còn có cái để nói.  
   
   Tôi khẳng định bao nhiêu năm dưới sự cai trị của đảng, cái quốc hội đảng dựng ra chưa bao giờ là của dân, nó cũng chưa bao giờ là cơ quan quyền lực cao nhất của dân. Chính vì vậy mà sau khi rời ghế chủ tịch quốc hội ông Nguyễn Hữu Thọ, phàn nàn : “Quốc hội cũng chỉ là cái vườn cây cảnh”;  ông Lê Quang Đạo cũng thế : “Quốc hội cũng chỉ là bộ máy dơ tay”,  hồi ký của ông ở chương VII bị ém nhẹm khi nói đến - nội dung phải có luật cho đảng; ông Nguyễn Văn An thốt ra : “chúng ta là vua tập thể”, “có một nghịch lý đảng quyết định tất cả nhưng không bao giờ đảng chịu trách nhiệm” ...
  
    Những con người ấy, thuộc tầm cỡ ấy trong bộ máy ấy còn thấy bất lực, phải thốt ra như vậy. Mặc dù có thể cá nhân họ có chuyện không vui, nhưng dù sao tập hợp cách nói của họ cũng góp phần phá ngu, thức tỉnh sự u mê, khơi sáng nhận thức để nhìn ra màu hồng hay màu đen đang bao trùm lên toàn xã hội dưới sự cai trị của đảng.

   Mỗi người dân VN yêu nước chân chính muốn đóng góp công sức của mình để xây dưng đất nước, hàng vạn vạn dân oan đi bầu cử hết khóa này đến khóa khác cũng chỉ mong bầu chọn ra người đại biểu quan tâm và bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, nhưng càng hy vọng lại càng thấy thất vọng.
   
   Bởi có bao nhiêu phần trăm cử tri, biết cái quyền chính trị tối cao của mình đã bị một nhóm quyền lực trong đảng gọt dũa, tước đoạt bằng mọi thủ đoạn. Từ những quy định bầu cử đến hội đồng bầu cử, ban kiểm phiếu đảng tự cho mình cái quyền quyết định, và không bao giờ có cơ quan độc lập nào được người dân thành lập, hay các tổ chức quốc tế đứng ra giám sát ... Họ có biết đâu cái quy trình thực hiện ứng cử và bầu cử, đảng đã tước sạch cái quyền công dân của mình.
   
   Cuối cùng chỉ còn lại cái tự do đi bầu cử những “đại biểu” đảng chọn cho mình. Bởi đảng chỉ cần họ đi bầu, để đảng đủ chứng minh tính “chính danh” về quyền lãnh đạo của mình, tính “chính danh” của nhà nước do đảng dựng ra. Còn dân đi bầu có gạch đến một trăm nhát thì cũng vô nghĩa, đảng vẫn vô tư. Đảng vẫn tuyên truyền cái nhà nước, quốc hội đảng dựng ra là của dân do dân vì dân đấy, ai cãi được.
   
    Còn việc đảng nói thật hay dối, thực tế ai cũng thấy cái cơ quan được gọi là quyền lực cao nhất của dân nó có thực sự vì dân không, có ngăn chặn được cái hệ thống quyền lực phản dân hại nước không ?  Vì dân sao “đại diện, đại biểu trung thành quyền lợi của nhân dân”, “cơ quan quyền lực cao nhất của dân” lại im lặng, bao che, né tránh, bỏ mặc những tiếng kêu oan thấu trời của dân ; Đảng dùng công cụ ngăn chặn, đàn áp, bỏ tù dân đi đòi công lý, bỏ tù những người bày tỏ chính kiến trước hiểm họa mất nước, cái cơ quan quyền lực cao nhất ấy có mấy ai dám mở miệng bênh vực quyền lợi của dân không ?
  
   Bao năm tôi đấu tranh chống tham nhũng, nội dung khiếu tố Thanh tra Chính phủ kết luận thừa nhận đúng, nhưng có ai xử đâu ... Vì lý do vậy nên tôi thưa với trưởng phòng tổ chức, tôi không phải loại u mê. Đảng nắm quyền, đảng tham nhũng, đảng chọn đại biểu cho tôi thì làm sao họ bênh vực được quyền lợi của tôi khi đảng sai. Dù tôi có là nhà chiêm tinh học, người biết xem tướng qua ảnh thì cũng bó tay trong việc đi lựa chọn người đại biểu của mình do đảng đã chọn sẵn.
   
   Cách hai ngày,  sau khi trưởng phòng tổ chức trường gặp tôi có ba AN trẻ qua phòng làm việc và mời tôi đi uống nước. Khi ngồi uống nước họ nhắc tôi : Sáng CN, anh đi bầu cử sớm xong anh em mình đi uống bia nói chuyện cho vui. Tôi cảm ơn và nói, tôi có đi đâu mà bia với bọt. Một AN khác nói, bác không đi thì bác nổi tiếng đấy, em đi từ Hà Nội vào trường không thấy ai nói như bác, bác không đi bác mất quyền công dân.
   
   Tôi nói, có đâu mà mất và nói với ba AN như những gì đã nói với trưởng phòng tổ chức trường. Ba AN vẫn ngồi nài nỉ “thôi sáng CN anh cứ đi cho vui”. Tôi liền nắm hai bàn tay lại và nói, trong hai bàn tay của tôi, một bàn tay có tiền, các chú chọn bàn tay nào có tiền các chú lấy. Ba AN ngồi im. Tôi nói, đấy các chú thừa biết chẳng bàn tay nào tôi có tiền nên việc lựa chọn là vô nghĩa. Vậy cái chuyện tôi không đi bầu cử nó cũng thế, chỉ khác nó trìu tượng hơn không phải tất cả ai cũng biết, nếu không quan tâm. 

   Tôi đi là công nhận chuyện tự biên tự diễn của một nhóm người có quyền lực trong đảng góp phần hợp pháp hóa công cụ của họ, để họ hợp thức hóa quyền lực của họ, hợp thức hóa những điều luật mù mờ do họ áp đặt để bảo vệ quyền lực “không chính danh”, để thỏa mãn lòng tham danh lợi bất chính mà người dân có bị hại cũng không có khả năng đòi công lý ... Nên tôi nhận thấy đi là góp phần trao trứng cho ác.

   4h giờ chiều ngày diễn ra bầu cử, trưởng phòng nơi tôi làm việc lại gọi điện thoại giục tôi đi bầu. Tôi trả lời, quan điểm của tôi không có gì thay đổi.

II- NHỮNG TRĂN TRỞ VỀ BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA XIV.

Thấm thoát đã năm năm, cuộc bầu cử quốc hội khóa XIV đã đến.

   -  Những quy định và hình thức, cách thức tổ chức so với các cuộc bầu cử khóa trước về cơ bản không có gì thay đổi. Thậm chí còn tồi tệ hơn khi tôi thấy những người đại biểu tự ứng cử (không phải đảng cử) từ khâu làm hồ sơ ứng cử đến các hội nghị tiếp xúc cử tri đã bị các công cụ của đảng lồng lộn, dùng mọi thủ đoạn dơ bỉ, quy chụp rồi đấu tố một cách trắng trợn để triệt hạ những ai tự ứng cử. Họ bất chấp luật pháp quy định (mặc dù luật pháp cũng như những quy định đó suy cho cùng đều do một nhóm người có quyền lực trong đảng áp đặt).
  
    Một số người tự ứng cử đã tẩy chay hội nghị cử tri trước khi diễn ra, vì thấy việc tổ chức không khách quan, không đúng luật ... Một số người khác buộc phải tẩy chay khi hội nghị đang diễn ra, bởi những chiêu trò bẩn bỉ của đám công nô. Đặc biệt là hội nghị không quan tâm đến các tham luận, chương trình hành động của những người tự ứng cử mà tập trung vào việc đặt điều và đấu tố. Trong khi các “đại biểu” tái đảng cử ngoài những khuôn mặt quen thuộc đã từng và đang nắm vị trí quyền lực cao nhất nhà nước vô tâm, vô cảm, vô trách nhiệm trước bao oan khuất chồng chất của dân.
   
    Mới đây cá chết la liệt ở vùng biển Hà tĩnh và dọc miền trung,  nay đã lan ra Thanh Hóa, Thái bình và không biết sẽ đến đâu nữa, nước biển bị nhiễm độc nặng. Các “đại biểu” tái đảng cử này vẫn lặng thinh, không vị nào lên tiếng, trực tiếp đến thăm hỏi người dân, có chương trình hành động cụ thể hứa trước cử tri về trách nhiệm của mình đối với thảm họa môi trường kinh hoàng này  ... Mặt khác, chưa thấy vị nào kê khai tài sản, chưa hề có tham luận, chưa có chương trình hành động ... Còn các “đại biểu” đảng cử khác thì người dân vẫn mù mịt thông tin.
   
   Cuộc bầu cử đảng tổ chức lần này lại có thêm những sự kiện chưa bao giờ có tiền lệ, “sinh con rồi mới sinh cha”. Các “đại biểu” quốc hội khóa XIII bãi nhiệm chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ do quốc hội khóa này bầu ra, trong khi chưa hết nhiệm kỳ. Và làm thay quốc hội mới trong việc bầu ra các chức danh đó. Nhiều người dân bất mãn nói, chưa có quốc hội mới đã bầu các chức danh trên, đảng tổ chức bầu cử làm gì nữa, sắp đặt luôn cho đỡ tốn công, tốn sức, tốn tiền thuế của dân.
  
    Thật không còn gì để mà nói, khi “đại biểu” tái đảng cử nắm giữ những chức vụ cao nhất, quyền lực nhất hoàn toàn im lặng trước thảm họa môi trường kinh hoàng đang diễn ra. Trong khi những người dân có trách nhiệm đối với môi trường sống chung, đau xót trước những thiệt hại đã và đang xảy ra  trực tiếp đối với ngư dân các tỉnh miền trung tổ chức xuống đường biểu tình, bày tỏ yêu cầu chính đáng của mình thì bị đảng cho công cụ đàn áp, bắt bớ, đánh đập một cách dã nam. Đám người có quyền lực này, hôm nay lại trơ trẽn tiếp tục đứng ra tổ chức, hô hào dân đi hợp thức hóa, công nhận họ và tay chân của họ là “đại biểu” của dân. 
   
    Tất cả nguyên nhân sâu xa của sự bất công, bất hạnh, oan trái chồng chất đang tồn tại của người dân do hệ thống quyền lực gây ra, chỉ có thể giải quyết được khi hệ thống quyền lực thay đổi, hay nói cách khác khi cơ chế chính trị thay đổi. Muốn thay đổi phải do chính mỗi người dân nhận thức và đồng lòng bất hợp tác, tranh đấu để thực thi cái quyền quyết định chính trị tối thượng của mình.
    
   Với sự trăn trở về thành phần đứng ra tổ chức, cách thức tổ chức bầu cử như đã diễn ra trong quá khứ và hiện nay, tôi khẳng định người dân không bao giờ chọn ra được người đại biểu thực sự của mình. Mọi con đường đi đến công lý vẫn bế tắc. Luật pháp chỉ là thứ trang trí, Quốc hội cũng vẫn là “cái vườn cây cảnh”, “một bộ máy dơ tay, ấn nút”. 
   
    Nếu mọi người vẫn tiếp tục chấp nhận đi “trao trứng cho ác”, vì sợ mất cái quyền mà mình không có. Thì tiếng kêu cứu của người dân bất hạnh vẫn tiếp tục vô vọng, xã hội vẫn tiếp tục xuống cấp, ... Sự trăn trở kiến nghị đầy tâm huyết, mang tính xây dựng của những người có tấm lòng với vận mệnh của đất nước vẫn tiếp tục bị vứt vào sọt rác, đất nước vẫn chìm trong cảnh đen tối.
                                   
                                                                                      Hà Nội, ngày 10/5/2016

                                                                                             
                                                                                              Vũ Mạnh Hùng
                                                                                             ĐT : 0902219982

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2016

NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN CÓ ĐUÔI XHCN LÀM NÁO LOẠN CẢ KHU B,C TẬP THỂ THANH XUÂN BẮC – HÀ NỘI

 NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN CÓ ĐUÔI XHCN LÀM NÁO LOẠN CẢ KHU B,C TẬP THỂ THANH XUÂN BẮC – HÀ NỘI.

   Đáng ra tôi không viết, bởi cái chuyện vi phạm nhân quyền của nhà nước CSVN nó như là chuyện “thường tình ở huyện” nhất là đối với những người đang thực thi quyền con người. Vì rất nhiều anh chị em hỏi thăm vì sao sáng 1.5 không gặp tôi trong cuộc biểu tình phản đối Formosa thải chất độc và vụ cá chết la liệt khắp khu vực biển miền trung.


   Lý do tôi không đến được cùng anh chị em cũng vì cái đuôi xã hội chủ nghĩa được gắn với hai chữ pháp quyền nó thể hiện và quấn tôi lại.

   Sáng dậy đánh răng, rửa mặt đã thấy một tốp AN trẻ đứng dưới cầu thang. Khi mở cửa ra thì đã có AN lót áo mưa ngồi trực ở chiếu nghỉ cầu thang chạy lên và nói : Bác ơi, hôm nay bác ở nhà đi, bác thương các cháu với. Tôi hỏi cậu là ai, giây tờ cậu đâu mà lại đi làm chuyện vớ vẫn này và tôi vẫn đi, xuống đến cầu thang thì một tốp khoảng 5-6 AN vây quanh trong đó có mặt một anh đứng tuổi.

   Tôi hỏi anh là ai, anh ta nói tôi tên Tuấn, phó phường Thanh Xuân Bắc.
Tôi hỏi anh muốn gì ở tôi, anh ta nói, hôm nay chúng tôi muốn anh ở nhà không đi đâu. Tôi hỏi, thế ai ra lệnh cho anh làm việc này và lệnh hôm nay tôi không được đi đâu, do ai ký ? Anh chỉ cần đưa tôi cái lệnh đó, tôi ở nhà ngay đỡ được bao tiền thuế của dân nuôi hàng chục vị làm chuyện vô pháp như thế này. Anh ta lúng túng. Tôi nói thẳng, tôi biết là không bao giờ có, bởi chẳng thằng nào nó dám ký ngu như vậy cả, vì nó thừa biết là việc làm vi phạm pháp luật, nên chỉ có lệnh mồn thôi.

   Tôi vẫn đi, anh ta và đám AN trẻ vẫn bám theo ngày càng đông, dân phố người biết sự việc thì nháy nhau mỉn cười, người không biết nháo nhác nhìn. Tôi nói, người dân oằn lưng ra làm việc đóng thuê cho nhà nước để nuôi các anh, trong khi nhà cầm quyền sai các anh đi làm những chuyện trái với đạo lý, pháp lý như vậy các anh có cảm thấy xấu hổ không ?! Tất nhiên không ai trả lời, tôi tiếp tục đi quanh phố giải thích để mọi người hiểu sự việc. Sau đó trưởng CA phường, phụ trách AN quận, trưởng CA quận đều xuất hiện. Mặc dù khi gặp tôi họ vui vẻ như thân thiện, tôi biết có đi cũng không đi được, đành ngồi quán nước ở góc phố.

   Họ ngồi quanh tôi, trưởng CA quận nói, ngày vui chung của cả nước đang được nghỉ, anh em cho biết anh đang ngồi ở đây nên đến thăm anh. Tôi nói vui gì cái ngày Quốc hận, ngày Đại tang của dân tộc VN ; Vui gì khi biển miền trung nhiễm độc nặng, người chết, cá chết la liệt, môi trường bị ô nhiễm ..., vui gì khi hiểm họa mất nước đang cận kề ... các anh chỉ cần quan tâm chút, các anh sẽ thấy đất nước đang mất dần chủ quyền. Không lâu nữa đâu, chỉ còn 4 năm thôi, hội nghị Thành đô đang gấp rút để hoàn thành kế hoạch biến VN thành một tỉnh lẻ của Trung Cộng. Mới có 4 tháng đầu năm, thông tin các quan chức CSVN đã chuyển tới 7 tỷ đô ra nước ngoài ? ... Tôi nhìn các anh ở đây kể cả trưởng quận, chắc chắn cũng không có xuất bám càng họ khi chế độ sụp đổ.

   Tôi biết, hôm nay nhà cầm quyền CSVN sai khiến các anh ngăn chặn tôi đi biểu tình phản đối Formosa, phản đối sự im lặng của nhà cầm quyền, phản đối những quan chức của các cơ quan chức năng trả lời thiếu trách nhiêm, vô trách nhiệm, né tránh, bao che chạy tội cho kẻ gây ra thảm họa kinh hoàng đối với môi trường sống.

   Các anh khuyên tôi cứ bình tỉnh, ... nhà nước sẽ có cách giải quyết. Trời đất ơi ! Làm sao tôi có thể tin được một nhà nước do đảng dựng ra, tước đoạt những quyền cơ bản của người dân, hôm nay đây tước đoạt cả quyền tự do đi lại của tôi. Những người các anh gọi là “lãnh đạo” thì dân hiểu biết vẫn gọi là “cướp cấp quốc gia”(Đó là lý do, không có vị nào dám thực sự kê khai tài sản của mình). Khi sự việc nghiêm trọng xảy ra gần tháng trời vẫn quanh co chưa tìm được nguyên nhân, dân làm sao có thể ngồi chờ để chết dần chết mòn ??? Nên chuyện dân bức phẫn biểu tình là tất yếu. Nếu các anh thực sự là CAND thì các anh phải biết bảo vệ dân để dân được bày tỏ nguyện vọng chính đáng của mình chứ. Đàng này các anh làm ngược, các anh lại là công cụ của kẻ phản nước hại dân.

  Cách ngăn chặn của các anh đối với tôi thì những người tầm thường thấy bình thường, nhưng với tôi và những người có lương tri thì đau lòng lắm. Không phải chỉ đau cho mình mà đau cho đất nước, cho dân tộc này. Chính vì vậy làm sao tôi có thể đi ăn cùng khi các anh mời, ăn như vậy tôi nuốt làm sao nổi.

   Cái khốn nạn của những kẻ cầm quyền chế độ “đảng cử, lừa mị, ép dân đi bầu” có thể các anh chưa biết, có thể biết nhưng chưa biết gốc rễ của nó. Đó là sự tước đoạt những quyền căn bản của con người dưới sự cai trị của nó, trong đó có các anh. Chẳng hạn, như hôm nay nó sai khiến các anh đi ngăn cản quyền tự do đi lại của tôi một cách trái pháp luật nhưng các anh vẫn phải làm. Chúng dùng cơ chế độc tài, lệnh mồn bắt các anh phải làm những chuyện phi lý đối với dân, dồn nén mâu thuẫn giữa các anh với người dân. Thực sự hình ảnh của CA trong mắt người dân hiện nay rất xấu. Chưa nói đến sự căm ghét và phẫn uất trong lòng dân.

   Chính vì lẽ đó để bảo vệ đặc quyền và đặc lợi bất chính, nhà cầm quyền CSVN luôn phải gắn cái đuôi XHCN trong lý luận của họ. Cụ thể phải gắn chặt nhà nước pháp quyền với cái đuôi XHCN, gắn chặt nền kinh tế thị trường với cái đuôi XHCN để khi cái sai trái của họ bị phanh phui họ biến lý luận thành lý lận và bất chấp pháp luật. Vậy tôi có thể khái niệm nhà nước pháp quyền có cái đuôi xã hội chủ nghĩa là một nhà nước vô pháp luật. Đó là điểm khác biệt giữa nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền. CA các anh bắt bỏ tù lương tâm bao nhiêu người và quy chụp người ta chống phá nhà nước XHCN trong khi các anh không trả lời được thế nào là nhà nước XHCN...

   Hôm nay các anh đến vây quanh tôi, ngăn chặn quyền tự do đi lại của tôi một cách vô pháp. Các anh nói “nhớ” tôi, đến “thăm” tôi để chữa ngượng, để dân phố khỏi nhìn các anh bằng những ánh mắt như nhìn những kẻ không lương thiện. Tôi đâu có vui, nhưng có phần thông cảm, bởi các anh còn biết ngượng. Dù có “tế nhị” đến đâu thì hôm nay các anh cũng đã minh chứng thành công cái đuôi XHCN của nhà nước pháp quyền CSVN cho cả dân phố biết.

   Sự bức xúc trong tôi cứ thế bung ra ... như một buổi thuyết trình về cái đuôi XHCN và sự nguy hại của nó đối với nhân dân và đất nước.

   Đến 11h, trước khi rút các anh cũng cảm ơn tôi, các anh đã hoàn thành “nhiệm vụ”. Vậy là tôi cũng kịp thời gian đến gặp được một số anh em khi cuộc biểu tình vừa kết thúc, chia sẻ cùng anh em bạn bè và chụp được vài tấm hình bày tỏ sự đồng hành với những công dân có trách nhiệm, đầy nhiệt huyết đối với cuộc sống chung, đối với đất nước.


   Và tôi cũng cảm ơn những người dân phố khi thấy cái đuôi XHCN bám vây quanh tôi, đã lẳng lặng kéo nhau ra Bờ hồ, hòa nhập bày tỏ thái độ ủng hộ đồng hành cùng đoàn biểu tình. Tôi thấy vui khi hai ngày sau họ mới nói, lần sau CA đến ngăn chặn anh nữa, anh cho bọn em biết, bọn em sẽ gọi nhau đi đông hơn.

   Đấy làm gì có thế lực thù địch nào đứng đàng sau xúi bẩy họ ngoài những kẻ ngồi trên đầu trên cổ nhân dân, chỉ biết vinh thân phì gia, há miệng mắc quai, phản dân hại nước đồng lõa bao che cho tội phạm.

                                                                                  Hà Nội, ngày 5/5/2016
                                                                                         Vũ Mạnh Hùng

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

BẢN LÊN TIÊNG CỦA HỘI GIÁO CHỨC CHU VĂN AN

BẢN LÊN TIÊNG CỦA HỘI GIÁO CHỨC CHU VĂN AN
(V/v Phản đối việc làm vi hiến, vi pham pháp luật của CA TP. Hồ Chí Minh đối với thầy giáo Phạm Minh Hoàng)
   

   Ngày 20/3/2016 vừa qua, thầy giáo Phạm Minh Hoàng đã tổ chức buổi trao đổi về kỹ năng sống cho các bạn trẻ. Nhưng đáng tiếc, buổi học diễn ra được 1 tiếng đồng hồ thì công an, dân phòng ập vào. Khóa học bị hủy bỏ, nhiều em đã bị hành hung, bị bỏ đói trong vòng nhiều giờ và sau đó còn bị bắt đưa về các đồn công an để tạm giam và thẩm vấn. Riêng thầy Phạm Minh Hoàng, công an đã tách ly ông nhiều giờ để gây áp lực, buộc thầy phải cho kiểm tra máy tính và những tư liệu cá nhân.

   Sau sự cố nói trên, trong mấy ngày liên tục, CA TP.HCM đã buộc thầy Hoàng tiếp tục làm việc và muốn thầy phải ký tên đóng tiền phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu thầy Hoàng phải ký cam kết làm đơn xin phép thành lập HGCCVA hoặc giải tán. Sau 3 ngày làm việc thầy Hoàng đã không chấp nhận yêu cầu phi lý của CA TP.HCM.

   Chúng tôi nhận định rằng :

   1/ Hội Giáo chức Chu Văn An (HGCCVA) được thành lập ngày 5/1/2016 với mục đích tôn chỉ rõ ràng, công khai và được sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội. Cho đến nay nhà nước cộng sản Việt Nam không hề có bất cứ một phản biện nào về mục đích, nội dung tôn chỉ của hội đề ra từ ngày thành lập.

   Quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân được ghi nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên của chính quyền CS Việt Nam - Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục được ghi nhận trong các bản Hiến pháp sau này. Năm 1982, nhà nước CS VN đã tự nguyện cam kết tham gia Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948 và Công ước về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, trong đó đề cập đến quyền tự do hiệp hội của cá nhân. Do đó, việc thành lập Hội giáo chức Chu Văn An nói chung và việc thầy Phạm Minh Hoàng hay các nhà giáo khác tham gia Hội hoàn toàn phù hợp Hiến Pháp Việt Nam và những công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tuân thủ.

   2/ Việc tổ chức buổi trao đổi về kỹ năng sống thể hiện tâm huyết chính đáng của thầy Hoàng và đáp ứng nhu cầu chính đáng của các bạn trẻ để có cuộc sống tốt hơn là một việc làm hoàn toàn phù hợp với nhu cầu giáo dục nói chung và với tôn chỉ của HGCCVA. Kỹ năng mềm là một thuật ngữ có liên quan đến trí tuệ cảm xúc của con người trong cuộc sống, nội dung của nó bao hàm tư duy phản biện, kỹ năng sống và sự đồng cảm. Đây là một việc làm hữu ích cho xã hội, đáng ra nhà nước phải khuyến khích nâng đỡ. Trong luật pháp cũng như trong hệ thống văn bản dưới luật của nhà nước không có bất cứ một văn bản nào, điều khoản nào cấm. CA TP.HCM đã vi phạm hiến pháp và luật pháp, chống lại sự phát triển của con người, khi phá hoại và ngăn cản buổi sinh hoạt của thầy Phạm Minh Hoàng.

HGCCVA cực lực phản đối việc CA TP.HCM ngăn cản, sách nhiễu việc làm chính đáng, hữu ích cho xã hội của thầy giáo Phạm Minh Hoàng và cách hành xử côn đồ đối với các bạn trẻ tham gia học tập, thực hiện ước mơ chính đáng của mình.

HGCCVA xác định việc thành lập hội hoàn toàn phù hợp với Hiến Pháp Việt Nam và mục tiêu, tôn chỉ của hội hoàn toàn chính đáng với lý tưởng phục vụ quyền lợi dân tộc.
HGCCVA mong các hội đoàn, các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước lên tiếng hỗ trợ nhằm ngăn chặn những hành vi trái với đạo lý và pháp lý của CA TP.HCM như đã nêu trên.
                                                                              

                                                                  Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2016

                                                                         Hội Giáo chức Chu Văn An

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Vì Một Nền Giáo Dục Trung Thực, Lành Mạnh Và Hiện Đại

Vì Một Nền Giáo Dục Trung Thực, Lành Mạnh Và Hiện Đại

         
                            (Diễn từ tại buổi lễ trao giải thưởng Văn hoá Phan Châu Trinh, 2011)

                                                                                                                       GS Hoàng Tụy  


Thì thầm: GS Hoàng Tụy và TS Lê Đăng Doanh (trái)

Thật là vinh dự lớn cho một người làm khoa học bình thường như tôi được nhận giải thưởng văn hoá Phan Châu Trinh cao quý. Vinh dự lớn trước hết vì giải thưởng gắn liền với tên tuổi một nhà ái quốc vĩ đại của dân tộc, một sĩ phu thuộc lớp cựu học nhưng đã thoát ra khỏi những quan niệm giáo dục phong kiến cổ hủ đương thời, khởi xướng đường lối canh tân văn hoá, giáo dục để cứu nước: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Vinh dự lớn còn là không phải giải thưởng hay huân chương trong hệ thống hành chính Nhà Nước mà là giải thưởng được trao cho bởi một tổ chức xã hội dân sự, với ý nghĩa cao quý thúc đẩy sự nghiệp văn hoá giáo dục của nước nhà theo tinh thần khai sáng của nhà ái quốc vĩ đại.
Làm khoa học ở một đất nước nghèo khó tôi vốn có duyên nợ nhiều với giáo dục. Xuất thân là một thầy giáo trung học rồi dần dần tự mày mò học tập, nâng cao trình độ mà trưởng thành trong nghề và trở thành một nhà khoa học. Bắt đầu dạy học ở tuôi 20, đến nay đã ngoài 80, suốt hơn 60 năm đó tôi chưa lúc nào xa rời nghề dạy học, tuy học trò của tôi thì tuổi tác, tính chất, trình độ và cả quốc tich cũng ngày càng đa dạng. Được may mắn (chứ không phải rủi ro) học phổ thông ở nhà trường thời thực dân (nhưng không phải nhà trường thực dân), ra đời cũng được đi đây đi đó học, dạy, làm việc trong những môi trường đại học khoáng đạt hiện đại từ Tây sang Đông trên thế giới nên tôi thường có dịp suy ngẫm về nghề nghiệp của mình. Suy ngẫm từ vị trí công dân một nước nghèo, lạc hậu, khát khao mau chóng đuổi kịp một nhân loại đang rộn rịp chuyển lên nền văn minh trí tuệ đầy thách thức. Điều đó tự nhiên dẫn đến mối quan tâm trăn trở gần như thường trực đối với nền giáo dục của nước nhà. Mà cũng từ đó được mở rộng tầm mắt, có cách nhìn hệ thống đối với nhiều vấn đề giáo dục, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Hồi còn anh Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng Đại Học tôi đã có nhiều dịp nghiên cứu và trình bày về tư duy hệ thống trong các xêmina giáo dục do anh ấy chủ trì. Những tư tưởng, quan niệm của tôi về giáo dục, văn hoá, kinh tế xã hội ngay từ những ngày ấy phần lớn đều xuất phát từ cách nhìn hệ thống đó cho nên ít nhiều cũng có tính hệ thống nhất quán, nếu có lúc cần thay đổi thì cũng do logic sự vật chứ không tuỳ hứng, tuỳ tiện, tuỳ thời.
Một thế kỷ nay chưa bao giờ vai trò then chốt của giáo dục trong sự phát triển của dân tộc ta nổi rõ như lúc này. Chỉ trong vòng một thế hệ mà những bước tiến khổng lồ của khoa học và công nghệ đã mang đến cho cuộc sống trên hành tinh những đổi thay sâu sắc hơn cả hàng trăm năm. Trong bối cảnh ấy giáo dục càng quan trọng thiết yếu hơn bao giờ hết cho bất cứ xã hội nào, kể cả những xã hội tân tiến nhất.
Việt Nam không là một ngoại lệ. Nên dù trước mắt kinh tế có khó khăn bức bách bao nhiêu cũng không cho phép chúng ta một phút được lơ là các vấn đề giáo dục. Chừng nào giáo dục còn yếu kém tụt hậu như hiện nay thì dẫu có tăng trưởng kinh tế giữ được tốc độ 7-8%, thậm chí 10% năm chăng nữa đất nước cũng vẫn mãi mãi lẹt đẹt sau thiên hạ. Muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, muốn chuyển hướng phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu mà để giáo dục yếu kém thì chỉ là nói suông. Ông Lý Quang Diệu từng khuyên chúng ta: thắng trong giáo dục thì mới thắng trong kinh tế. Gần đây ông đại sứ Hoa Kỳ sau nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam cũng nhận xét thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là giáo dục. Không phải họ hù doạ chúng ta, cũng chẳng phải họ cung cấp cho chúng ta thông tin gì mới mẻ tân kỳ. Họ chỉ nói cho ta biết một điều mà từ nhiều năm rồi ngay chuyên gia trong nước đã có không it lời cảnh báo tương tự. Chẳng qua Bụt nhà không thiêng thì mới cầu tới Bụt ngoài.
Cho nên dù nhiều người đã nói nhiều lần rồi tôi cũng xin nhắc lại lần nữa: chỗ nghẽn lớn nhất trong phát triển hiện nay của xã hội ta là giáo dục. Giáo dục và giáo dục, không có gì quan trọng hơn. Và vì vậy cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện và triệt để là mệnh lệnh cuộc sống. Càng chần chừ, càng trì hoãn càng trả giá đắt, và không loại trừ đến một lúc nào đó sẽ là quá trễ như đã từng xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.
Đó là nội dung thiết yếu hai bản kiến nghị mà một nhóm trí thức quan tâm tới vận mệnh đất nước đã gửi Trung Ương Đảng, Quốc Hội và Chính Phủ năm 2004 và năm 2009 (bản Kiến nghị 2004 đã được phổ biến rộng rãi, còn bản Kiến nghị 2009 chưa được nhiều người biết do bị hạn chế phổ biến).
Như chúng ta còn nhớ, cách đây 15 năm từng có nghị quyết lịch sử của Hội Nghị TƯ II, khoá 8, xem phát triển giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu. Nhưng mười năm sau đó, Thủ Tướng Chính Phủ đã phải thẳng thắn thừa nhận chúng ta chưa thành công trong hai lĩnh vực nêu trên. Cho nên các nghị quyết Đại Hội X và ba Hội Nghị TƯ sau đó đều nhắc lại nhiệm vụ khẩn thiết cải cách giáo dục để ra khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài mấy thập kỷ. Đặc biệt sau những lời hứa hoa mỹ của ông tân Bộ Trưởng GD và ĐT năm 2006, nhiều người trong đó có tôi đã đặt niềm tin ngây thơ vào triển vọng công cuộc chấn hưng giáo dục có thể bắt đầu chuyển động. Tiếc thay, hy vọng chưa kịp nhen nhóm thì thất vọng đã mau chóng đến, lần này lo lắng nhiều hơn vì chưa bao giờ giáo dục chạy theo thành tích dễ dãi được quảng cáo ầm ĩ thiếu trung thực lại ngốn nhiều công sức, tiền của mà hiệu quả thấp như 5 năm qua.
May thay, sự kiện Ngô Bảo Châu đã tạo một cú hích, it nhất về nhận thức. Sau một thời gian ngắn được ngộ nhận là thành tich đặc biệt của giáo dục, sự kiện này cuối cùng đã cho thấy rõ quá nhiều vấn đề cần suy nghĩ lại nghiêm túc và tỉnh táo hơn về nhà trường của chúng ta. Đáng mừng là lần đầu tiên sau nhiều năm chờ đợi, người dân đã được nghe Thủ Tướng long trọng tuyên bố cần một cuộc cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện, triệt để, để chấn hưng đất nước. Với niềm hân hoan như đã lâu chưa hề có, tôi đã lắng nghe bài diễn văn buổi tối đó của Thủ Tướng, y như người đang khát giữa trưa hè nóng bức mà được uống bát nước chè tươi.
Sau tuyên bố của Thủ Tướng, nguyên Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Bình cũng đã lên tiếng đầy sức thuyết phục kêu gọi thực hiện cải cách giáo dục để tiến lên một nền giáo dục trung thực, lành mạnh và hiện đại, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân và yêu cầu cấp thiết chấn hưng đất nước. Nhiều bậc thức giả khác đã hưởng ứng lời kêu gọi đó. Ai nấy đều tin rằng đã đến lúc cần kết thúc giai đoạn đổi mới vụn vặt, chuyển sang cải cách mạnh mẽ thì giáo dục mới có thể ra khỏi bế tắc, trì trệ. Trong một buổi làm việc hơn hai giờ vào khoảng giữa tháng 11, tôi cũng đã cố gắng thuyết phục Bộ Trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận hãy nhân cơ hội này nhận nhiệm vụ lịch sử khởi động công cuộc cải cách giáo dục đã được đề ra trong các nghị quyết lớn của TƯ. Trước hết hãy có một cách tiếp cận mới đối với một số vấn đề nhức nhối nhất hiện nay như thi cử, tổ chức trung học phổ thông và dạy nghề, tuyển chọn GS, PGS, xây dựng đại học đăng cấp quốc tế, v.v.
Tuy nhiên cho đến giờ phút này, nghĩa là gần nửa năm trời sau tuyên bố mạnh mẽ của Thủ Tướng tình hình vẫn im ắng. Một chủ trương đúng đắn có ý nghĩa then chốt chiến lược đến như vậy, lại đã long trọng hứa hẹn với dân nhiều lần, mà đấu tranh thực hiện cũng gian khổ chẳng khác gì việc đòi giảm sưu cao thuế nặng thời thực dân phong kiến hay sao ? Tôi thật sự lo lắng khi thấy bất chấp mọi lời khuyên, cỗ máy giáo dục già nua cổ lỗ vẫn tiếp tục vận hành ì ạch mà chưa thấy tín hiệu gì sẽ có thay đổi. Đến hẹn lại lên, cả nước lại chuẩn bị lao vào địa ngục thi cử với biết bao tốn kém, lo âu, để rồi như mọi năm hàng chục vạn học sinh sau 12 năm đèn sách bị ném bơ vơ ra đời, không nghề nghiệp mà cũng chẳng có nơi nào học tiếp, cùng với hàng vạn sinh viên sau 3,4 năm đại học vẫn bỡ ngỡ ngay cả với những việc làm rất thông thường mà ở các nước khác chỉ đòi hỏi một học vấn trung cấp.
Tại sao thanh thiếu niên ta phải chịu thiệt thòi lớn như vây ? Tại sao đã 36 năm ròng rã từ ngày thống nhất đất nước mà giáo dục đến nông nỗi này ?
Hiển nhiên có nhiều nguyên nhân nhưng điều dễ thấy nhất là một đất nước mà người dân tin rằng “cái gì tiền không làm được thì nhiều tiền sẽ làm được” -- một đất nước như thế thì giáo dục tụt hậu là tất yếu. Suy cho cùng sự nghiệp chấn hưng giáo dục tuỳ thuộc quyết định vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chừng nào tham nhũng còn nặng thì dối trá, lừa đảo còn phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm, làm sao giáo dục có thể trung thực, lành mạnh được, nói chi đến hiện đại. Chống tiêu cực trong thi cử, chống bệnh thành tích ư ? thì đó, năm đầu làm nghiêm thì hàng loạt thí sinh trượt, năm sau bắt đầu dễ dãi thì tỉ lệ thi đỗ tăng, năm sau nới rộng nữa thì đạt tỉ lệ thi đỗ cao ngất ngưỡng như ban đầu, thế là chứng minh chất lượng giáo dục đã đựơc nâng cao, giáo dục đã đạt siêu thành tích. Còn mua bằng, bán điểm, chạy trường, chạy dự án, chạy chức, thứ gì cũng chạy được, chạy bằng chân, bằng đầu, bằng vốn tự có, hay gì gì đó thì đố ai biết qui mô đến đâu. Có điều chắc chắn là những chuyện tiêu cực trong giáo dục và kèm theo đó, bạo lực học đường chưa hề giảm mà có phần phát triển bạo liệt tinh vi hơn, có nguy cở trở thành một nét văn hoá tiêu biểu của xã hội ta hiện nay.
Giáo dục là một hệ thống phức tạp, theo nghĩa khoa học của từ này, cần phải được tiếp cận và vận hành như một hệ thống phức tạp mới có hy vọng tránh khỏi sai lầm, thất bại. Lãnh đạo, quản lý giáo dục mà thiếu tư duy hệ thống, thiếu môt tầm nhìn chiến lược bao quát thì chỉ có sa vào sự vụ, nay thế này mai thế khác, “đổi mới” liên miên nhưng vụn vặt, chắp vá, không nhất quán, rốt cục tiêu tốn nhiều công sức tiền của mà kết quả chỉ làm rối thêm một hệ thống vốn đã què quặt, thiếu sinh khí, thường xuyên trục trặc. Trong một thế giới biến chuyển cực kỳ mau lẹ, chỉ chậm một vài năm đã có thể gây thiệt hại đáng kể, huống chi mấy thập kỷ liền hầu như giẫm chân tại chỗ và loay hoay với những vấn nạn nhức nhối kéo dài hết năm nầy qua năm khác.
Không đâu cần bốn chữ cần kiệm liêm chính hơn lĩnh vực giáo dục. Cũng không đâu cần tư duy phê phán, cần tự do, sáng tạo hơn ở đây. Một nền học đã thiếu vắng các đạo đức và đức tính cơ bản ấy tất nhiên sớm muộn cũng biến chất và lâm vào bế tắc. Khi ấy những điều chỉnh cục bộ theo kiểu đổi mới từng việc vụn vặt như vừa qua không những không có tác dụng mà còn làm kéo dài thêm tình trạng trì trệ. Lúc này lối ra duy nhất cho giáo dục là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống. Chỉ có như thế mới mong cứu giáo dục thoát ra khỏi khủng hoảng triền miên.
Không đi sâu vào những việc quản lý cụ thể tôi chỉ xin nêu một số vấn đề ở tầm chiến lược về chất lượng giáo dục. Dù bảo thủ đến đâu, dù thoát ly thực tế cuộc sống đến đâu, ai cũng phải công nhận chất lượng giáo dục của ta quá thấp. Thấp như thế nào và làm gì để nâng cao chất lượng thì lại có nhiều cách nhìn thiển cận, phiến diện, sa vào chi tiết vụn vặt không thực chất.
Thứ nhất là chuyện học và thi. Năm nào bàn chuyện này cũng có nhiều đề xuất cải tiến nhưng càng bàn càng rối mà chưa thấy hướng ra đúng đắn. Học thì cứ miêt mài nhồi nhét nhiều thứ vô bổ, nhưng lại bỏ qua nhiều điều cần thiết trong đời sống hiện đại. Thi thì mãi vẫn một kiểu thi cổ lỗ, biến thành khổ dịch cho học sinh nhưng là cơ hội kinh doanh, làm tiền cho một số người. Không phải học mà thi mới là chính, học chỉ để đi thi, để có bằng, thậm chí không học mà có bằng thì càng tốt. Đặc biệt thi tốt nghiệp nặng nề như chưa hề thấy đâu trên thế giới văn minh. Tuy đã có không ít hội nghị bàn thảo về cải tiến phương pháp giảng dạy, cho đến nay chủ yếu vẫn chỉ là dạy trên lớp, thầy đọc, trò ghi và bám sát sách giáo khoa. Trong khi đó, với cách nhìn toàn cục có thể thấy rõ cốt lõi của chuyện học và thi ở chỗ khác. Đã sang thế kỷ 21 nhưng giáo dục của ta vẫn giữ nhiều quan niệm cổ hủ như thời phong kiến nho giáo hay thời trung cổ ở Châu Âu, nặng tính giáo điều kinh kệ, vì nhằm mục tiêu thiển cận biến con người thành một phương tiện sử dụng vào các mục đích tôn giáo hay chính trị, hơn là hoàn thiện con người như một chủ thể tự do. Phương Tây đã có thể nhanh chóng bước lên giai đoạn phát triển văn minh công nghiệp hiện đại trong khi Phương Đông còn ngủ dài trong văn minh nông nghiệp chính là nhờ họ đã sớm thế tục hoá giáo dục. Thiết nghĩ một giải pháp tương tự cũng cần nghiên cứu cho nhà trường Việt Nam để bước vào kinh tế tri thức thời nay.
Thứ hai là chuyện đào tạo theo nhu cầu xã hội. Các doanh nghiệp thường phàn nàn gặp nhiều khó khăn khi tuyển nhân lực cần thiết vì trình độ, năng lực thực tế của sinh viên do các trường đào tạo ra quá thấp so với yêu cầu của họ. Trong khi đó, hàng năm có hàng chục vạn học sinh, sinh viên ra trường không tìm được việc làm thích hợp. Mặc cho khẩu hiệu “nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”, và một số biện pháp đổi mới quản lý giáo dục, chất lượng đào tạo vẫn giẫm chân tại chỗ từ hàng chục năm nay. Quá nhiều trường đào tạo về kinh tế, tài chính, kế toán, ngân hàng, v.v. nhưng rất ít trường về công nghệ, kỹ thuật, khoa học. Quá nhiều đại học, cao đẳng kém chất lượng, nhưng rất it trung cấp kỹ thuật. Cơ cấu đào tạo khiến trong nước rất thiếu công nhân lành nghề, rất thiếu cán bộ kỹ thuật trung cấp giỏi, nhưng thừa kỹ sư, cán bộ quản lý tồi. Không lạ gì có nhà đầu tư nước ngoài từng nhận xét: chúng ta nói nhiều về công nghiệp hoá nhưng ngay một chiếc đinh vít cũng chưa có nơi nào trong cả nước làm được đúng chuẩn quốc tế. Công nghiệp phụ trợ không phát triển nổi, muốn làm ra sản phẩm công nghệ gì tinh vi đôi chút cũng phải nhập phần lớn linh kiện, bộ phận và các sản phẩm trung gian. Rôt cục chỉ lắp ráp là chính thì bao giờ mới xây dựng được công nghiệp hiện đại. Sự thể nghiêm trọng đến mức chuyên gia Nhật đã khuyến cáo: vận mệnh ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến tương lai phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến địa vị chính trị của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Mà với cơ cấu đào tạo nhân lực như hệ thống giáo dục hiện nay thì không cách nào phát triển công nghiệp phụ trợ. Cho nên có nhìn rộng ra cả nền kinh tế mới thấy vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội không chỉ là cải tiến khâu đào tạo ở cấp đại học hay cao đẳng mà phải cải tổ cơ cấu hệ thống giáo dục, theo hướng như đã trình bày trong bản Kiến nghị 2009: sau trung học cơ sở phần lớn học sinh sẽ vào trung học nghề, trung học kỹ thuật, chỉ một tỉ lệ nhỏ vào trung học phổ thông. Bản thân trung học phổ thông cũng cần được cải tổ theo hướng không phân ban cứng nhắc mà có nhiều lựa chọn cho học sinh phát triển năng khiếu sở thích, nhờ đó nâng cao chất lương đầu vào đại học, tạo điều kiện nang cao chất lượng đại học . Như vậy, sau 12 năm học, học sinh nếu ra đời thì đã có nghề, còn số có thể tiếp tục học sẽ không bị nhiều rào cản do cánh cửa chật hẹp của đại học hiện nay.
Thứ ba là xây dựng đại học. Vị trí và tính chất của giáo dục đại học trong sự phát triển của các quốc gia ngày nay đã thay đổi rất nhiều so với chỉ cách đây vài thập kỷ. Nói giáo dục là thách thức lớn nhất cho đất nước hiện nay thì trước hết đó là giáo dục đại học. Trong một thế giới toàn cầu hóa, xây dựng đại học tất nhiên phải hướng tới và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế trong mọi lĩnh vực. Trong khi đó, từ việc đào tạo tiến sĩ, việc tuyển chọn giáo sư, đánh giá các công trình khoa học, các nhà khoa học, các trường đại học, đến nay chúng ta vẫn giữ nhiều tiêu chuẩn riêng chẳng giống ai. Mặc dù đã trải qua mấy chục năm trời xây dựng, đại học của ta vẫn còn ngổn ngang rất nhiều vấn đề đòi hỏi không chỉ phải đổi mới mà phải thay đổi tận gốc, từ chiến lược phát triển cho đến cách thực hiện chiến lược. Trong đó việc xây dựng các đại học tiến lên đẳng cấp quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, lúng túng, trước hết là về quan niệm. Nếu không kịp thời khắc phục thì căn bệnh thành tich phô trương cộng với tính vô trách nhiệm ở đây sẽ gây lãng phí lớn, làm chậm lại thay vì thúc đẩy quá trình tiến lên hiện đại theo tinh thần khai sáng.
Thứ tư và cuối cùng nhưng then chốt nhất là chính sách đối với đội ngũ giáo chức. Không có khâu quản lý nào thể hiện rõ hơn quyết tâm chấn hưng giáo dục bằng chính sách đối với thầy giáo. Thế nhưng hiếm có nơi nào trên thế giới và cũng hiếm có thời nào trên đất nước ta người thầy mặc dù bị đối xử bất công vẫn tận tuỵ gắn bó với nghề như trong mấy chục năm nay. Khi nói điều này không phải tôi không biết những gương xấu trong ngành, những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng tôi nghĩ số đó vẫn là số ít, số ít đáng ngạc nhiên nếu đặt trong hoàn cảnh xã hội và điều kiện làm việc cực kỳ khó khăn của tất cả thầy giáo của ta. Tôi tin rằng với những hoàn cảnh như thế ở các nước khác tình hình giáo dục phải bi đát hơn nhiều. Với chính sách đối với thầy giáo như của ta mà giáo dục còn được như thế này đó thật sự là kỳ công.
Song cái gì cũng có giới hạn, kể cả lòng tự trọng, thiện chí và … lương tâm. Cứ thế này e sẽ đến lúc lương tâm cũng chai lì, chẳng còn ai biết xấu hổ, để cho cái lá nho cuối cùng cũng không giữ nổi thì sẽ mất hết, chẳng còn gì để bàn về giáo dục, văn hoá, khoa học nữa. Tôi cũng hiểu và thông cảm với những khó khăn thực tế liên quan đến tham nhũng. Song có thể nói không quá đáng, kinh nghiệm hơn ba mươi năm qua đã cho thấy hầu hết mọi căn bệnh tàn phá giáo dục đều có nguồn gốc ít nhiều ở cái chính sách bỏ mặc rồi khuyến khich thầy giáo tự bươn chải để kiếm sống mà làm nghề, trong một môi trường đòi hỏi họ phải toàn tâm toàn ý mới làm tôt được nhiệm vụ. Vậy nên giải quyết cái u nầy là điều kiện tiên quyết mở đường cho giáo dục (và khoa học) thật sự trở thành quôc sách hàng đầu. Tuy nhiên cũng phải cắt u một cách an toàn vì nếu làm không minh bạch đường hoàng như hiện nay thì chỉ gây thêm hỗn loạn, cũng rất nguy hiểm.
Để kết thúc, xin bày tỏ niềm tin cải cách giáo dục mạnh mẽ, toàn diện, triệt để là giải pháp cứu nguy cho giáo dục, cũng là cứu nguy cho phẩm chất Việt Nam khi còn chưa quá trễ.
Và một lần nữa xin trân trọng cám ơn Quỹ Văn Hoá Phan Châu Trinh.

Hoàng Tụy



Con Dân Nước Việt là những người đặt Tổ Quốc lên bản vị tối cao, tối cao có nghĩa là trên tất cả mọi vật, kể cả tôn giáo, đảng phái, và cả chính bản thân mình.