THỰC TRẠNG XÃ HỘI VÀ GIÁO DỤC VIỆT NAM HIỆN NAY
TRẦN THIẾT THẠCH 12.2015
Hơn 40 năm qua, xã hội Việt Nam đã phải sống trong chế độ độc tài toàn trị, do sựáp đặt của đảng cộng sản Việt Nam. Sự tang tóc, thảm kịch của chiến tranh đã lùi về quá khứ, nhưng vết thương hậu chiến vẫn còn âm ỉ kéo dài cho đến tận hôm nay. Đất nước đã thống nhất, nhưng nhân tâm ly tán do chính sách mị dân "hòa giải hòa hợp dân tộc", mà thực chất là sự phân biệt đối xử của chế độ cộng sản cầm quyền đã làm cho hàng triệu người phải bỏ nước ra đi, hàng trăm ngàn người phải bỏ xác phơi thây một cách oan nghiệt, tức tưởi trên biển cả hay trong rừng sâu trước đây. Ở trong nước, cho đến nay, nền kinh tế do các "nhóm lợi ích" của hệ thống tài phiệt "đỏ" khuynh đảo lộng hành, ngân sách quốc gia đã có nguy cơ vỡ nợ, đời sống của đa số người dân lao động vẫn nghèo khó, cơ cực. Thực trạng xã hội đã bị phân hóa và xuống cấp nghiêm trọng về mọi mặt. Đặc biệt, đau lòng nhất là thế hệ trẻ đã mất phương hướng, mất lòng tin, do cuộc sống hiện tại bị giam hãm, tương lai mờ mịt, dẫn đến tha hóa về đạo đức, lối sống. Suy cho cùng, chính hệ thống độc tài toàn trị đã làm cho đất nước Việt Nam chìm đắm trong bi kịch lạc hậu so với thế giới hiện đại.
Giáo dục là nền tảng và cũng là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của một dân tộc. Theo ý nghĩa khái quát đó, thực trạng giáo dục tại Việt Nam hiện nay đã suy thoái trầm trọng, kể cả về mục tiêu, cấu trúc, tổ chức, phương thức vận hành và hiệu quả của nó.
Về mục tiêu giáo dục, tuy nhà cầm quyền đã nêu ra những khẩu hiệu rất tốt đẹp như "công bằng, dân chủ, văn minh" nhưng thực chất chỉ là khẩu hiệu rỗng tuếch, lý thuyết suông, mị dân, mà hậu quả đã mất hướng, tụt hậu, không theo kịp trào lưu phát triển ngày càng văn minh, tiến bộ của thế giới. Công bằng ư? - Làm gì có! Dân chủ ư? - Làm gì có! Văn minh ư? - Càng không có! Đó cũng chính là thực trạng bi kịch của nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
Về cơ cấu tổ chức, phương thức vận hành, do chính sách giáo dục bảo thủ, cực đoan nên đã quá lạc hậu so với thế giới hàng thế kỷ! Chương trình, nội dung giáo dục cho từng cấp do thiếu cập nhật, nên đã rất chậm trong qui trình bổ sung, cải tiến cả về nội dung và phương thức đào tạo.
Nhìn một cách bao quát, nội dung giáo dục trong các ngành khoa học xã hội nhất là các môn triết, văn, sử không thể hiện được tính khoa học, trung thực, khách quan mà vẫn duy trì nội dung, phương pháp giáo dục cực đoan, bảo thủ và nhồi sọ, đậm đặc tư tưởng chính trị của đảng cầm quyền, trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê Nin là chính, khiến cho học sinh, sinh viên chán nản, hoài nghi, miễn cưỡng và vô tình "nuốt" phải những kiến thức, quan điểm tư tưởng lạc hậu và độc hại. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự bế tắc về tư duy, tư tưởng trong thế hệ trẻ, sống dật dờ, mất định hướng, buông thả và sa đọa trong lối sống, thậm chí gây ra những tội ác bất nhân không lường trước được. Nếu chịu khó theo dõi tin tức hàng ngày tại Việt Nam, chúng ta không khỏi kinh hoàng trước những thảm án giết người (do nhiều nguyên nhân) thật kinh hoàng, mà đa số thủ phạm đều ở độ tuổi thanh niên! Một nền giáo dục bảo thủ, lạc hậu, sai lầm tất yếu sẽ dẫn đến sự hư hỏng, băng hoại về nhân cách con người, sự suy đồi về đạo đức trong mỗi cá nhân, cái ác lan tỏa một cách đáng sợ trong xã hội. Mọi cái ác phát sinh do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là do nền tảng giáo dục của đất nước đã ngày càng lạc hậu và suy đồi.
Nội dung giáo dục trong các ngành khoa học tự nhiên cũng bi đát không kém. Chính quyền và ngành giáo dục Việt Nam hiện nay tỏ ra rất "tự hào" rằng đã đào tạo hàng trăm ngàn tiến sĩ, hàng triệu kỹ sư, nhưng thực chất, số lượng những bằng phát minh, sáng chế lại là con số rất hiếm hoi, rất nghèo nàn! Nguyên nhân rất dễ hiểu là các ngành khoa học thực nghiệm, sáng chế phát minh không theo kịp đà phát triển như vũ bão của thế giới hiện đại. Những nội dung giáo dục về khoa học thực nghiệm đã quá lạc hậu, kèm theo sách lược, chiến lược đào tạo mất cân đối giữa cung và cầu, đã tạo ra khủng hoảng vừa thiếu vừa thừa trong các ngành khoa học tự nhiên. Thống kê xã hội gần đây nhất, tháng 10/2015 cho thấy, gần 200 ngàn kỹ sư, cử nhân, cao học trong nước đang trong tình trạng thất nghiệp, phải mưu sinh bằng những nghề nghiệp không đúng với chuyên môn, chuyên ngành đã học. Thật tủi hổ khi nhìn những nước trong khu vực đã có những bước phát triển vượt bậc về khoa học kỹ thuật, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, trong khi Việt Nam vẫn dẫm chân tại chỗ, thậm chí là tụt hậu, khủng hoảng và phân hóa một cách tệ hại. Trí tuệ, chỉ số thông minh của người Việt Nam không thua gì các dân tộc trong khu vực, kể cả đối với thế giới, nhưng vì sao dân trí không phát triển, khoa học kỹ thuật quá lạc hậu, lệ thuộc vào nước ngoài? Câu trả lời đã quá rõ như những phân tích khái quát đã nêu trên.
Thiết nghĩ, để chuyển hóa thực trạng giáo dục tại Việt Nam hiện nay cần có sự đổi mới tư duy toàn diện một cách thực chất về cơ cấu tổ chức, nội dung và phương thức vận hành. Một cách khái quát, nền tảng giáo dục phải bám rễ sâu xa vào những truyền thống văn hóa tốt đẹp vốn có từ ngàn xưa của dân tộc, vứt bỏ tư duy giáo điều, bảo thủ và quan trọng nhất là phải luôn có ý thức cập nhật, tiếp thu, học tập, rút kinh nghiệm về cơ cấu tổ chức, nội dung và phương thức vận hành của các nền giáo dục tiên tiến, hiện đại của thế giới (từ các bậc học mẫu giáo, tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học, sau đại học). Chính sách giáo dục phải được đặt trên nền tảng sâu xa là Tính Nhân Bản và Khai Phóng nhằm đảm bảo cho từng thành viên trong xã hội được phát triển trí tuệ một cách toàn diện về thể lực, trí lực, được đảm bảo hưởng quyền tự do cá nhân trong chính thể dân chủ pháp quyền, tôn trọng công lý, đảm bảo hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng.
Một xã hội mà chủ sở hữu về tài sản, tiền bạc, cơ sở vật chất ngày càng nằm gọn trong tay những "nhóm lợi ích" của hệ thống tài phiệt "đỏ" tha hồ vơ vét bằng mọi thủ đoạn thì tất yếu sẽ dẫn đến bất công xã hội, phân hóa giàu nghèo ngày càng gay gắt. Những vụ án tham nhũng hiện nay ở Việt Nam đã lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng đã trở thành chuyện... bình thường! Cái ác lộng hành ngày càng phát triển trong xã hội một cách đáng sợ, nhân tâm ngày càng ly tán một cách thảm hại như hiện nay là vết thương rất lớn cho cả dân tộc! Vết thương rất lớn nầy bắt nguồn từ đâu? Từ một hệ thống chính trị lạc hậu, lỗi thời và độc ác. Đó là một thảm họa cho cả dân tộc.
Điều có ý nghĩa sống còn cho vận mệnh đất nước hiện nay, không còn con đường nào khác hơn là phải tiếp tục tiến hành một cuộc vận động sâu rộng về tư tưởng, vừa quyết liệt, vừa kiên trì trong các tầng lớp cộng đồng dân tộc, nhất là trong thế hệ trẻ để họ có nhận thức một cách sâu sắc về thực trạng, bản chất phi nhân bản, mục nát của chế độ chính trị hiện hành tại Việt Nam hiện nay. Từ đó, khơi dậy truyền thống yêu nước lâu đời, đồng lòng và quyết tâm đấu tranh dưới mọi hình thức, phương thức vận động để chuyển hóa, xây dựng một thể chế chính trị thực sự Nhân Bản và Khai Phóng, đảm bảo cuộc sống tự do dân chủ cho đất nước. Tóm lại, muốn chấn hưng, nâng cao dân trí, dân khí thì phải đầu tư và phát triển giáo dục một cách căn cơ trên nền tảng Nhân Bản và Khai Phóng như đã phân tích một cách bao quát như trên. Hiện nay, ở trong nước, cũng có không ít những trí thức, những nhà giáo dục tâm huyết đã phân tích khá sâu sắc thực trạng giáo dục đang tiếp tục xuống cấp, lạc hậu và cũng đã có những đề xuất cải cách, chấn chỉnh khá cụ thể. Tuy nhiên, những đề xuất cải cách, chấn chỉnh ấy chỉ là những giọt nước nhỏ nhoi, những cơn gió yếu ớt thoáng qua, chẳng có hiệu ứng và kết quả gì đáng kể vì thể chế chính trị độc tài toàn trị vẫn còn đó, vẫn tha hồ chứng tỏ quyền lực lộng hành một cách bất nhân. Vì vậy, tâm trạng thất vọng, mất phương hướng sống, bấp bênh trong sự nghiệp, tuyệt vọng vì phải chứng kiến hằng ngày tình cảnh bất công, áp bức trong xã hội. Quả thật là bi kịch trong cộng đồng dân tộc, nhất là trong giới trẻ ở Việt Nam hiện nay.
Thể chế chính trị như thế nào thì thực trạng giáo dục như thế ấy. Hai mặt của một vấn đề. Vì vậy, vấn đề cốt tủy hiện nay là: Toàn thể dân tộc Việt Nam, không phân biệt xuất xứ bản thân, giai cấp, ý thức hệ, tôn giáo, đảng phái, hãy đồng tâm nhất trí đấu tranh giải thể chế độ chính trị hiện hành, kiên quyết xây dựng một thể chế chính trị đa nguyên, nhân bản, nhằm xây dựng một nước Việt Nam cường thịnh, thực sự mang lại cuộc sống tự do dân chủ cho cả dân tộc. Đó cũng là tiền đề có tính sống còn cho cả dân tộc. Từ đó, mới có thể trở về vấn đề gốc: Tập trung cho sự nghiệp giáo dục một cách toàn diện, trên nền tảng đổi mới tư duy, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, nhằm chấn hưng, nâng cao dân khí và dân trí, làm nền tảng vững chắc trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước một cách bền vững và lâu dài.